Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Chuyện mười chín năm trước...


Nhớ lại, tháng cuối năm 1989, thằng tui chán là ông chủ xưởng in lụa buồn tình thanh lý tài sản, bán rẻ cho anh Phương giảng viên Đại học mỹ thuật thành phố, tui nhảy qua bám váy theo người đàn bà mà sau là vợ, làm chú thợ rửa hình ở cửa hàng Chi Lăng số 158 Đồng Khởi... , làm bạn lối xóm với thằng Sĩ Hoàng, lúc đó nó mướn phía trước trại bộ đội quân cảnh gì đó bên kia đường, thằng đó mua vải tám thứ rẻ tiền nhứt căng chữ vẽ áo dài, ngồi cafe lề đường tui thắc mắc hỏi vẽ áo dài là mày vẽ hình hoa cỏ lên áo à, nó cười biểu hổng phải đâu ông ơi, là tui vẽ kiểu áo đó cha... Mấy tháng sau, cửa hàng Chi Lăng phải dẹp để tư nhơn bỏ dollar vô sửa chữa làm quán Chu bar. Cửa hàng bị xóa sổ, tui lại theo người đàn bà của mình dời qua kiossque 55.

Công ty Văn hóa Tổng hợp quận nhứt mới thành lập do sếp Trần Hồng Tâm từ phó phòng Văn hóa quận, được cử đi học, về lãnh nhiệm giám đốc, sếp Hồng Tâm cầm quyết định giám đốc mà công ty chưa có được một thằng gác cửa… không có chó bắt mèo ăn cứt, mấy đàn anh là anh Bê đội trưởng đội nhiếp ảnh, anh Huỳnh Tiết cựu trưởng đài truyền thanh quận I, anh Nghĩa… bê-đê cựu kế toán trưởng cửa hàng DV văn hóa thời sếp Võ Bá Đức, nay cùng đang hàng ngày… ngồi chờ phân công trên phòng, ngáp vặt vì thèm thuốc lá mà không tiền mua thì gặp thời may… Sáng nay tụi nó thằng nào cũng bận rộn tíu tít với mấy chức vụ trưởng phòng kinh doanh, giám đốc trung tâm băng nhạc Bến Thành, trưởng phòng kế toán và vân vân. Luôn thằng Sanh người Tàu là tài xế lính lác thời tui mần phó giám đốc năm nào, chiều đi uống bia hơi là cho nó đi theo. Ông Thanh "râu" hồi đó chiều nào cũng lê la bia bọt chỗ ki-ốt số một Trần Hưng Đạo cùng với mấy anh già cựu kỹ thuật của nhà máy bia Saigon, chả ở đâu là thấy có thằng Chơn Mỹ vua lè phè ngồi nhậu đó, thằng cha "râu" thiệt có chí lớn từ khi đó, nay nó giàu chắc đâu thèm nhớ thằng em. Ông Thanh "râu" bia "Bến Thành" là thằng làm ăn sạch nhứt mà tui từng nghe. Nói thêm, cha Sanh vô công ty văn hóa Phương Nam quận 11 phát triển tài kinh doanh băng dĩa, nghe nói người ta o bế nó như Tào Tháo lấy lòng Quan Vũ ngày xưa, để rồi nó quay vế cố quận ỷ thế con cưng làm cha người ta, nghe nói nó Nguyễn Hữu Chỉnh trở về đất Bắc hà trả ân oán xưa dữ lắm. vậy chớ lần tình cờ sếp phụ trách kinh doanh đi củ soát cửa hàng Chi lăng, từ cửa hàng trưởng Trần Đình Hoan cùng đám nhân viên tíu tít chào hỏi trình diện, ông sếp oai vệ đưa mắt dòm coi thằng nào dám đứng y sau quầy không chạy mau ra chào mừng… , tui lặng im đứng ngó, đàn anh vồn vã bước tới đưa tay về phía tui, miệng toe tét anh Phương, lâu lắm không gặp anh, anh tới chơi à, bà Ơn mau miệng, nó là chồng con Mỹ, chả ở đây phụ tá bà vợ, thằng Sanh cười nói giả lả ít câu rồi thót lên gác, mụ Ơn hỏi tui làm chi mà biết ổng, tui cười trừ, chừng xuống coi bộ thằng Sanh mất hứng rõ, nó chào tui lấy lệ rồi ông sếp giông lẹ.... Sau này có chuyện xảy ra tương tự... , năm 2001, thằng tui nghèo khổ rách rưới vừa trở về Saigon. Bữa, vô cửa hàng ở đường Lý Tự Trọng tính mua cho thằng con dĩa ca nhac thiếu nhi, lúi húi coi chợt nhìn thấy đàn anh Huỳnh Tiết từ ngoài cửa bước vô, thì ra đây là công ty gì đó Bến Thành, thằng tui cố ý cúi xuống lui cui lựa băng dĩa... nhè rớt xổ ra mấy cái ngay cạnh thì có ai bước tới sát, thằng tui ngẩng lên thấy bản mặt đàn anh vừa trờ tới đứng cúi nhìn xuống... , trong tictac cả hai thằng cùng sượng sùng, tui cố mỉm cười tính chào hỏi thì chả ngẩng phắt bỏ đi... thằng tui phát bực kêu ê thằng kia, mày mạnh giỏi chớ, đàn anh quay lại làm bộ ngỡ ngàng rồi ồ thằng... Phương đó à, lâu quá mới gặp mày... , tui nói này ông anh thằng em thử coi ông anh còn nhớ ai không vậy thôi... rồi tui cút thẳng.

Thấy bà xã, đệ tử chân truyền của anh em nhà Cao Đàm, Cao Lĩnh, hai “Thái sơn bắc đẩu” của giới “nhiếp ảnh” trào trước 1975, bả cũng tên tuổi lừng lẫy đường đường đàn chị trong giới “nhiếp ảnh” Saigon, mà được phân công… không làm gì cả. Tức là được cấp trên chiếu cố cho… nghỉ không lãnh lương vì không người gởi gấm khi công ty mới thành lập, do sáp nhập tùm lum và cần “giảm biên chế”. Bả được đặc ân là cho ra ké ki-ốt 55, duy phải tự bỏ vốn buôn bán mà kiếm sống

Thằng tui mặc dù mới được bà xã dạy nghề rửa hình chưa bao lâu mà cũng có chút danh trong việc sửa hình, lại làm ơn cứu mạng thằng Thành bên Lab Đống Đa. Bữa, thằng sếp kỹ thuật là nó đang bị hai thằng khách hàng cà chớn chụp cho nó cái mũ cố tình chậm trễ trong việc giao hình cho…Sở công an thành phố, tui vừa qua thấy thằng Thành mặt tái xanh vì hàng trăm tấm hình cở 2 x 3 chụp bán thân các đồng chí cảnh sát mặc sắc phục đội nón nghiêm chỉnh mà tấm nào cũng mặt mũi vàng khè… thằng Thành xin hẹn một tiếng sau giao đủ vì nó phải cần thời gian làm lại, hai ông khách thấy trời chiều tối nên không chịu… quan sát nãy giờ, thằng tui chửi thầm, mẹ, không cho nó thời gian sao nó làm được, hổng lẽ bắt nó bỏ tù. Thằng tui chen vô nói anh Thành ra tui nói này chút, nó bước ra, tui nói anh hẹn mấy ổng ngồi chờ mười lăm phút là giao, gom hết hình đưa tui, tui giúp, thằng Thành tần ngần chắc không tin, tui kề tai nói nhỏ tin tui đi, cái này tui dùng màu Nhựt sẽ hồng đẹp mà… Mười lăm phút sau tui xách túi hình qua trả, bá tánh xúm lại cầm coi, hai đồng chí cảnh sát tươi cười kêu tính tiền lẹ lẹ trời tối rồi, từ đó tui là ân nhân của lab Đống Đa nổi tiếng, thuộc công ty nhiếp ảnh thành phố.

Đang nói vụ công việc làm của bà xã, thấy bà xã khơi khơi mất việc vì không người gởi gắm, vả lại, ngồi nhận thâu băng với chụp rửa hình đang mòi thê thảm nên vợ chồng tính bề kiếm cách khác mần ăn. Thời gian làm in lụa bên DIHAVINA, tui quen anh Quỳnh từ Hanoi vô, anh Quỳnh có người em ruột là anh Hải đang bán bàn ghế chạm kiểu xưa ở ố 58 Đồng Khởi, lại có anh Sùng (dân Thái Bình) đang ký gởi đồ cổ cho anh Hải bán. Thằng tui nào giờ cư xử rất biết phải chẳng và được các anh quý mến, anh Quỳnh biểu tui nội một thời gian không quá một năm, anh sẽ vào làm giám đốc DIHAVINA trong này, lúc đó anh sẽ có điều kiện giúp đỡ mày. Trước đây anh Quỳnh có một vài dịp vô Saigon công tác, tui quen biết và đã thân, anh em từng “đánh dậm”, đã từng “lên bờ xuống ruộng” cùng nhau…Mấy đàn anh từ Hanoi vô công cán một thân côi cút, may gặp thằng em cùng dân Hanoi quan tâm mời mọc, đãi ăn đãi chơi thì ân tình để đâu cho hết (*).

Khi anh Hải kiếm ăn trong miền nam kha khá rồi trở về Hanoi xây mấy khách sạn. Anh Sùng được sự giúp đỡ của Thủy “bọ”, thời đó còn là thiếu tá an ninh kêu bằng đặc trách chống gián điệp mần mấy vụ lớn của Bộ - anh kết nghĩa với tui từ hồi đó cùng nhau… nghèo khổ - nên khi anh Hải trở ra Hanoi thì anh Sùng thế chỗ thuê được cửa hàng Thái Thạch nổi tiếng trào Ngụy cũ, để từ đó mà một thằng bộ đội sau khi giải ngũ trôi nổi buôn trầm lậu qua chạy cò đồ xưa, bỏ qua thời gian cắc làm ké, một năm trụ chính thức ở đường Đồng Khởi vụt thành đại gia hạng bự của giới buôn đồ cổ xứ Giao Chỉ.

Thằng tui vừa khi quen biết mấy đàn anh “dân Đồng Khởi” quý phái, chiều tối tui bỏ mặc bà xã coi ki-ốt, xách xe chạy tà tà qua chơi bên “con đường vàng”, vừa nghiêng ngó trầm trồ cái bình gốm xấu xí cũ mèm gọi là “đồ cổ” mà dân trong nghề kêu “đồ xưa”, vừa thán phục khi thấy đàn anh mặt rạng vui sướng tay đếm hàng xấp Doll màu xanh đẹp.. tuyệt vời.

Anh Sùng bán được một trăm cây đèn dầu của Pháp cho mít tờ Antony Lee, một thằng người Singapo bự con tuổi trẻ tài cao, ông chủ đầu tư Đệ nhất khách sạn vũ trường nổi tiếng nhứt Saigon hồi đó.

Ngặt cho đàn anh, mấy cái đèn dầu do Phờ Răng Xoa sản xuất nhìn rất cổ… kính, tân cổ chẳng biết chớ mấy sếp người của bảo tàng mỹ thuật ra cảng Khánh Hội kiểm tra vật phẩm văn hóa xuất khẩu đã phán rằng “là đồ cổ” thì tức là đồ cổ đứt đuôi con thằn lằn, thằng nào cãi mà ráng bán cho khách du lịch mang lén ra ngoài nước, thằng khách bị “vịn”, nó trỏ nơi bán cho nó thì thằng bán… tới số vì tội “buôn lậu đồ quốc cấm” tịch biên tài sản như chơi, như anh Đức “shop” không ở tù là còn nhờ phước đức ông bà, chớ chẳng giỡn..

Đồng chí Thủy “bọ” được triệu tập khẩn cấp tới đặng lo đưa tiễn một trăm cây đèn dầu đi định cư ngoài nước. Thủy “bọ”, việc chi vướng chút đỉnh tới công an cảnh sát ở miền nam này ảnh phẩy tay nhẹ nhàng chớ vụ xuất khẩu văn hóa phẩm thì ảnh bí. Vậy thằng tui có cơ hội ra oai, tui dắt anh Sùng tới nhà sếp Toàn Thi giám đốc bảo tàng mỹ thuật lúc đó, nhà ở trong hẻm đường Kỳ Đồng, thằng tui lãnh trách nhiệm dẫn đường và giới thiệu, sau đó đứng ngoài … cho mỏi chưn, rồi lại lên xe đàn anh chở về, rứa là nhiệm vụ hoàn thành. Giờ nghĩ lại thấy mình khi khôn thì khôn lắm vậy sao nhiều khi ngu hơn bò, vụ đó lẽ phải bóp thằng anh một cú ra gì chớ… nó đưa hai triệu bạc là thằng tui mừng như lượm được … tiền.

Nhớ, chiều tối cỡ 7 giờ, tui qua ngồi chơi với anh Sùng, tối nào cũng vậy, mười ngày như chục, đàn anh bán chiếc đồng hồ trái quýt hiệu Pateck Philip mạ vàng được ba vé, trừ vốn mua cái đồng hồ trái quýt Liên Xô hết bảy chục ngàn, bỏ chợ thiếc mạ… vàng dỏm, ăn chữ vân vân, tổng cộng vốn hết hai trăm mốt, bán ba vé, một vé lúc đó ăn bảy trăm ngàn có lẻ, tui tính lời cỡ hai… triệu.

Nhớ, anh Sùng qua chơi bên thằng em tại ki-ốt số 55 Nguyễn Huệ, chị Khiêm, nhân viên chưa bị nghỉ, hỏi đàn anh rằng anh Sùng ơi, anh bán bên đồng khởi một tháng anh kiếm được chừng bao nhiêu tiền, ông anh cố ý cho người khác thấy mình đang giả vờ khiêm tốn nói dạ, cám ơn chị hỏi thăm, mỗi tháng tôi kiếm được khoảng… hai mươi triệu thôi ạ. Mẹ, đầu năm 1991, vàng lên cao ba trăm bảy chục ngàn một chỉ, căn nhà nát trong hẻm ngắn xe hơi vô được ở đường Võ Văn Tần mà tui đã quên chỗ nào, anh Thanh là trưởng phòng kế hoạch luôn trưởng phòng kiều hối của Vimedimex kêu tui mua, ảnh nói tao vừa bán vừa cho mày là sáu cây… , nói năng kiểu ông Sùng bằng chửi người ta ngu không biết kiếm tiền, anh Sùng về rồi, chị Khiêm hậm hực nói thằng cha dóc tổ thấy ghét, một tháng lời hai mươi triệu thì có mà in mới kịp. Tối về nhà tui nói bà xã chuyện anh Sùng tháng kiếm hai chục triệu là có thật, anh nhìn tận mắt đó bà xã ạ.

Tháng 3/1991, thời thế thế thời thời phải thế… , thằng tui, tay phải cầm cuốn “Thú chơi cổ ngoạn” của mông xừ Vương Hồng Sển, ông già khó tánh dễ sợ ở Bình Thạnh, lấy làm cuốn cẩm nang gồi đầu giường, tay trái cầm một cây hai chỉ vàng vừa bán chiếc Vespa super, tui dắt bà xã "di tản chiến thuật" qua số 24Ter Đồng Khởi, nay là showroom của hãng Yahamaha góc Đồng Khởi – Hồ Huấn Nghiệp đặng kinh doanh đồ… xưa.

Cũng từ đây mà giới mua bán Đồng Khởi bị thằng tay mơ nẫng tay trên nhiều món ngon.

Cũng từ địa chỉ này, năm 1992, làng đá đỏ Saigon nổi lên một tên tuổi Phương "cận".

---------
Chú giải:
- (*) : Đầu thập niên hai ngàn, có lần tình cờ gặp lại, anh em kéo nhau vô phòng karaoke hàn huyên chuyện cũ, ảnh biểu năm 1996 tao vô làm sếp trong này, ra cửa hàng thấy giải tỏa, tao lên nhà mày hai lần thấy toàn khóa cửa. Tui nói anh ơi em sa đà bài bạc chúng kêu Phương "titac", tiền trong túi thua lẹ trong chớp mắt, đầu năm 1995 em theo vợ về tỉnh Vũng Tàu bán muối...
./
Print
 
Lên đầu trang