Khoảng tháng 8 năm 1987, sau khi thử làm công nhân phân xưởng thạch cao được vài ba ngày nhắm không ổn, tui đề nghị giám đốc Ngô Quốc Chình xuất chi bảy trăm đồng cho tui đi xe đò về Bình Dương kiếm hợp đồng, sếp lắc đầu biểu em tự bỏ tiền túi trước, nếu có hợp đồng về thì xí nghiệp thanh toán lai cho em...
Tui bỏ sức chạy về Bình Dương tìm gặp anh Nguyễn Trung Ngươn (*) trưởng phòng kế hoạch XN thuốc lá Sông Bé và kiếm được hợp đồng in về cho phân xưởng in lụa của xí nghiệp, sau vụ cứu hai phân xưởng in đang chết đói dù không đủ tiêu chuẩn để được quyết định chính thức bổ nhiệm, nhưng nghiễm nhiên tui nắm gần toàn bộ phần việc của phó giám đốc kinh doanh của xí nghiệp trang thiết bị văn hóa quận I, do anh Ngô Quốc Chính là giám đốc. Thật sự mấy “xí nghiệp 54” thời điểm đó mọc như nấm sau cơn mưa, theo tui biết thì các doanh nghiệp loại này được thành lập theo quyết định 54 của thủ tướng chính phủ, chức năng là làm công tác kiếm tiền chăm lo đời sống ba lợi ích, vì vậy mấy sếp là dân a bờ cờ trong việc kinh doanh là chuyện đương nhiên.
Đời sống kinh tế người dân nói chung khi đó theo như tui nhớ thì còn thấp lắm, chị gái tui là cán bộ nhà văn hóa quận một lãnh lương được đâu mười bốn, mười lăm ngàn chi đó một tháng, quanh năm cơm rau muống chấm nước tương. Thiên hạ mà có được cơ hội kiếm tí chút, tí chút thôi nha, là không nỡ bỏ qua. Cha nội Huỳnh Tiết nay là TGĐ công ty cái gì Bến Thành mần dĩa hát… năm 1986 được anh Hai Ninh cho ra làm cửa hàng trưởng dịch vụ văn hóa, mấy chả lén bán cái bàn hay tủ chi đó được năm ngàn đồng chia nhau rồi bị ai đó thưa kiện bể ra, bị kiểm điểm hàng loạt, ông Huỳnh Tiết bị đá về Đài phát thanh quận I ngồi chơi xơi nước, ngày ngày qua xí nghiệp đánh cờ tướng ăn thuốc lá, thằng đó chơi cờ dở ẹt, thường thua lại ưa ăn gian cãi ẩu để chạy độ, tới giờ còn thiếu tui chắc cũng hơn cả gói Jet chưa chung.
Cái chức vị hữu danh vô thực kêu bằng “Phó giám đốc phụ trách kế hoạch – kinh doanh” của xí nghiệp trang thiết bị văn hóa quận I của tui là do sếp Ngô Quốc Chính tự ý phong “lậu” chớ lãnh đạo cơ quan chủ quản là anh Hai Ninh, trưởng phòng Văn hóa quận I, đâu biết tui là thằng nào. Nhờ chức vụ đó mà tui kiếm mỗi tuần được một trăm hai mươi lăm ngàn, hồi đó là lớn lắm mua được năm phân vàng 24K, hay có thể mua được chiếc đồng hồ Citizen mặt màu vàng gắn bốn hột xoàn chiếu rực, tui tự giác mang đến nhà chia cho đàn anh phân nửa (đúng là ngu quá mới tự giác thành thiệt như rứa), sếp thấy tiền thì ham mà run quá, tay nhét túi miệng hỏi, mắt dòm tui lom lom bộ lo lắng: “Tiền này là tiền gì, có sao không đấy em”.
Còn nữa, hồi đó, hẳn mọi người còn nhớ, kiếm được tấm giấy đi coi phim ở số 7 Phan Kế Bính là chuyện lớn chớ chẳng chơi, cỡ phòng Văn hóa thông tin cấp quận sức mấy đủ tiêu chuẩn được duyệt. Cán bộ nhân viên của Phòng Văn hóa quận I trước đây đã được anh Huỳnh Tiết (nghe nói vợ nó làm bên xuất khẩu chi đó, quen biết rộng) “chạy” cho cả phòng được mua vé coi một lần rồi.
Chuyện tới tai, thằng tui nhếch mép. Trưa đó qua số 7 Phan Kế Bính kiếm ông Lê Đình Thọ (**), trưởng phòng khai thác và là người thẩm quyền xét cho ai được coi, ai không được. Nghe tui “đề xuất”, ổng than chà khó quá, phòng văn hóa quận đâu đủ tiêu chuẩn, vậy làm sao duyệt và vân vân, thằng tui ngó bộ biết chả làm tuồng, tui nhẹ nhàng:
- Chú giúp cháu với… một xuất chiếu, người ta sao cháu vậy.
Nghe tui nói, chả lắc đầu làm như miễn cưỡng lắm, tay mở cuốn sổ để trước mặt:
- Bố mày có khỏe không, lâu nay chú bận quá không lên thăm bố mày được, thôi chú duyệt cho mày nhưng phải có vài vé ngoại giao nhé… để chú sắp lịch rồi báo mày qua nộp tiền nhận vé.
- Dạ, cháu cùng nghĩ là phải vậy.
Mười lăm vé “phải có để ngoại giao” thằng tui bổ đầu người chia đều số tiền cho cả phòng Văn hóa quận I, toàn thể cán bộ nhân viên hỷ hả vì được coi phim ở số 7 Phan Kế Bính.
Chừng tuần sau, hai mụ kế toán báo cho anh Chính giám đốc xí nghiệp rằng cái thằng tui lợi dụng vụ coi phim vừa rồi tự ý tăng giá vé để kiếm lời, khi gặp sếp, tui nói số tiền dó là phải chung để được giải quyết. Thằng giám đốc âm binh là sếp tui vỗ vai biểu tốt nhứt em nên thanh toán lại cho tập thể số tiền mà hai kế toán của phòng là cô Ngọc Nga và chị Muối đề nghị cho khỏi mang tiếng…, lâu quá tui không nhớ số tiền là nhiêu nữa.
Qua tháng sau, lại có người gặp thằng tui đề nghị “giải quyết cho phòng được coi phim xuất nữa”. Mẹ, không biết nó ngu hay nó nghĩ mình ngu.
Làm phó giám đốc đâu mấy tháng, thằng tui vì bày mấy kế mà sếp không nghe, hay không dám nghe, thế là thằng tui dù chỉ mới mọc vài cái lông lá liền bay ra ngoài tìm nơi đất lành đặng mà đậu.
---------- Chú giải : - (*) : Giữa quý II năm 2005 tui lập chi nhánh Bình Dương, nhớ chuyện tình nghĩa xưa, kêu thằng Hương ký bổ nhiệm anh Ngươn là giám đốc, giao thằng Tuấn đặc biệt để ý, anh Ngươn có thằng Tuấn phụ quản lý chi nhánh từ tháng 7/2005 tới cuối tháng 6/2006, hai tháng sau khi tui bị tai biến, trước khi nghỉ hưu thì tui lên Bình Dương trực tiếp đề nghị ảnh bàn giao người khác. - (**) : Ông Lê Đình Thọ gốc giáo viên tiểu học ở Hanoi, năm 1976 ông già tui cho theo vô Saigon và ký quyết định thu nhận cán bộ cho văn phòng 2 Bộ Văn hóa, sau về Phân viện phim tư liệu. Năm 2004 tình cờ gặp trong quán ăn, ổng lúc này là phó GĐ xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu kiêm phó giám đốc phân viện phim tư liệu, biểu tui phải dắt vợ con tới chơi mà thằng tui quên tuốt. ./
|