Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Nai đồng quê

Lại nói, thằng tôi là thứ ăn tạp, cái gì thuộc về lương thực, thực phẩm, nói rõ ra rằng cái thứ gì họ ăn được thì tôi cũng ăn được, xem ra còn hơn thế nữa, cái gì thiên hạ chê, tôi vẫn ăn được. Như thiên hạ vẫn nói vui, chỉ trừ ra “bù loong con tán” là không ăn còn con gì cũng ăn hết. Như tôi đây thì chỉ trừ “thằng” ra còn “con” là măm măm ráo nạo kể luôn cả “con gái”.

Nói vậy để biết, cái vụ thịt chó cũng là món khoái khẩu của tôi từ nào giờ. Nhớ năm 1997, tôi về Bình Dương mở quán bán sáng bán phở, chiều tối bán đồ nhậu tại đường 30/4, ngày ấy, cứ mỗi buổi chiều chừng 17 giờ là tôi “ban” qua bên kia đường nơi có mấy quán thịt chó, mình tôi vô kêu một dĩa phay, 1 dĩa nhựa mận, một tô xáo cũng dĩa bún rồi quơ đũa tì tì đơn đả độc đấu cho kỳ hết…

Nhớ, anh Chương (em trai của anh Khánh”Mafia” hồi 1979 là trưởng trại giam của Công an Sông Bé) nhà ở số 20L đường 30/4 thỉnh thoảng cũng cùng tôi đánh chén, coi bộ ông anh không hảo lắm món “mộc tồn” này nên tôi không kêu ảnh cùng “mần” nữa… Từ 2003 Đến trước khi thằng tôi bị bịnh 2006, chiều nào có nhiều thời gian rảnh tôi cũng lên Bình Dương ghế quán Hai Mơ (quán này mở cùng năm 1997 với tôi khi tôi về BD bán phở- nay 2009 tôi biết đã đổi chủ khác từ năm 2007). Tôi lên Bình Dương ăn thịt chó không phải vì mấy quán thịt chó ở BD nấu nướng ngon hơn Saigon mà vì trong dĩa rau luôn có mấy lát khế chua mà Saigon không quán nào có, hỏi xin thêm cũng không có, dặn trước cũng không có luôn, vậy nên

Ông Trần Hữu Triệu là người Việt Nam đầu tiên sang Triều Tiên những năm 1960 nấu những món thịt chó phục vụ chủ tịch CHDCND Triều Tiên - Kim Nhật Thành. Ông Triệu có "ngón nghề" độc đáo trong việc chế biến thịt cầy quay và thịt om cực ngon.

- Đọc thêm Một món bang giao
                             

tôi chê các quán thịt chó ở Saigon.

Thịt chó, mà theo tôi biết người Tàu kêu bằng “Thịt thơm”, từ Hán Việt là “Hương nhục” ; người Cao Ly kêu bằng “Thịt ngọt”, từ Hán Việt là “Hảo nhục” in hình đúng quá, tôi thì tôi có thể gọi món này bằng Thịt thơm và ngọt, bởi kêu là “Thịt thơm” rất đúng, vậy chớ kêu là “Thịt ngọt” cũng đúng luôn, nếu kêu là món “Thịt thơm ngọt” càng đầy đủ. Nhưng, với người mình, nhất là các cụ thì cứ “thịt chó” mà gọi, rủ nhau đi ăn “thịt cầy” nghe mới “cổ động trực quan” làm sao, người được rủ thì cái lỗ tai vừa nghe lời mời thì cái lỗ mũi in hình đã thấy thoảng múi mắm tôm, dường như đã cảm thấy vị ngọt của miếng phay thoảng nơi đầu lưỡi… Nếu không có việc chi thiệt bận, thiệt quan trọng hầu như không có ai can đảm từ chối một bữa thịt chó.

Tự xưa đến nay, từ ông sư bất đắc dĩ Lỗ Trí Thâm, một hảo hán lẫy lừng trong truyện “Thủy Hử” của Thi Nại Am, tới anh em nhà Hạc Bút Ông, Hạc Trúc Ông là hai cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp “Cô gái đồ long” của Kim Dung , từ đại anh hùng Lương Sơn Bạc dám giết quá trời người mà không ghê tay Lỗ Đạt bên nước Tàu tới tiểu anh hùng gan cóc tía dám cầm mảnh chai nhiều lần tự cào rạch nát mặt máu me tùm lum để ăn vạ ông bá Kiến là đàn anh Chí Phèo bên xứ ta. Các đấng anh hùng ấy chung quy đều mê mẩn cái "... sắc vàng óng nhầy nhầy mỡ của cái mông chó thui với sắc xanh nhạt của một chai Văn -Điển đầy ắp..." (Trẻ con không được ăn thịt chó-Nam Cao)

Lại nói, bên xứ Tàu họ không ăn thịt trâu vì họ thờ Ông (Quan thánh Đế quân), thằng tôi từng nghe cũng theo lời người Tàu thì ông Quan Công cốt con trâu. Xứ ta thì thằng tôi thiệt chẳng hiểu sao mấy người có đạo Phật lại kiêng cữ không ăn thịt chó dù ngày thường vẫn bẻ cổ cắt tiết vịt mà đánh tiết canh để húp máu sống. Hay là tự nào giờ có ai từng nghe con chó là cốt của ông Phật họ Thích ?

Thằng tôi từng nghe rất nhiều người Nam kêu món thịt cầy nấu “rượu mận”, tôi cho rằng đó là một sự nhầm lẫn trong ngôn ngữ địa phương vùng miền. Ở miền Bắc, có địa phương người ta gọi “ông Trời” là “ông Giời”, ví dụ ta thường nghe người miền Bắc kêu “ối trời ôi”, thì có địa phương kêu ra là… “ối giời ơi” ; nhựa cây thì nói là “dựa” cây… trong món mộc tồn thì “nấu nhựa mận” nói ra là “nấu dựa mận”… và người miền nam không hiểu sao lại là “dựa” mận bởi nên tự ý sửa và cho rằng đúng là “rượu” mận rồi người này kêu theo người kia mà mặc nhiên món thịt chó nấu “nhựa mận” của miền Bắc thành ra món “rượu mận” của miền Nam. Thiệt ra. món nhựa mận là người ta nấu cho miếng thịt chó hơi quánh lại, gắp miếng thịt lên có sợi chỉ giống nhựa cây mận, hệt như khi ta nấu thịt thủ và lổ mũi cùng lỗ tai heo, những người miền bắc đều biết cây mận, vậy mà thành tên món nhựa mận. (*)

Mâm thịt chó, chai Văn Điển sủi tăm trong vắt, bao nhiêu đó đủ làm các cụ sướng khoái mà rền rĩ : “Sống trên đời…

Nói vậy, xem ra thằng tôi cũng sắp vô hàng :
“Đàn ông biết đánh tổ tôm
Biết ăn thịt chó, xem nôm Thuý Kiều”
.

Chưa hết, bu nó nhà tôi cũng :

“Cô kia đi chợ đồng quê
Thấy hàng chả chó liền…lê tôn vào
Cặp này anh lấy bằng nao
Ba đồng một cặp lẽ nào lại không
Nói dối là mua cho chồng
Đi qua quãng đồng ngả nón…liền ăn”


Còn nữa, người ta in hình là tự kỷ ám thị, thằng tôi chủ quan mà đồ rằng chỉ một số ít người không thích thịt chó, còn lại đều là ráng nhịn thèm vì có người thường đi chùa thắp nhang cầu phật, vậy nên tự cấm mình không được ăn thịt chó (?).

Có người do vô tình mục sở thị quán xá bán chó bị đánh bả mà chết, chó ghẻ lở xà mâu cùng mình… rồi bị ám ảnh, ớn quá mà chê hỏng dám hay hỏng thèm ăn nữa.

Vậy chớ còn một món mà tôi chê dở ẹc là món giò heo nấu giả cầy thì hỏi có bà con cô bác nào chê hông dzậy ?
------
Chú giải :
- (*) : Năm 1980, ở bến xe thị xã Thủ Dầu Một, đã một phụ nữ người miền Bắc hỏi thăm tôi : "...đường nào đi chợ Bún" (chợ Búng), chị ta không biết có cái chợ tên là chợ Búng đó, lại nghe miền nam nói là "búng", chị ta cho rằng phát âm đúng thì "búng" phải "bún".



--------------------------
Xin giới thiệu một bài viết tôi lượm được trên mạng :

SỐNG TRÊN ĐỜI ...

Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không

Ngày Tết trong tiết Xuân êm đềm cùng hoa lá xanh tươi mà nói đến chuyện chó mèo là một việc nên tránh. Những ngày đầu năm với bao nhiêu kỳ vọng tốt đẹp ở tương lai thì cũng nên kiêng cữ cho mọi chuyện được xuông xẻ. Các cụ mình vẫn khuyên con cháu “có kiêng có lành” là vậy. Tương truyền rằng một ông phú hộ nọ sai người bếp pha trà vào sáng mùng một Tết. Chẳng biết anh bếp này pha đậm nhạt ra sao mà bị ông chủ mắng. Nhưng là ngày Tết, thay vì mắng đầy tớ là “đồ con chó” thì ông kiêng cữ nên buột miệng chửi “đồ con cầy”. Từ đó ai cũng biết cầy là một tiếng gọi tên khác của loài chó. Đầu năm kiêng ăn thịt vịt sợ rằng đường công danh sự nghiệp lạch bạch như bước đi nặng nề của con vịt xiêm. Đầu năm cũng chớ nên ăn thịt chó vì sợ rằng cả năm sẽ… “khổ như chó”. Đấy là nói về chó An Nam ta thôi, còn chó Tây chó Mỹ vẫn được xếp hạng thứ ba sau đàn bà và con nít, đứng trên đàn ông một bậc! Người đàn ông sống ở trời Tây đất Mỹ mà lại được diễm phúc “khổ như chó” thì cũng là một ước mơ.
Bàn về việc ăn thịt chó thì người ta lại đi vào một kết luận ngoại lệ rằng có thể ăn một bữa thịt chó sẽ thay đổi được số phận chẳng lấy gì làm vui vẻ. Nhà văn Vũ Bằng cũng có một niềm tin tưởng như đại đa số dân gian. Gặp lúc đen đũi, số phận đẩy đưa đến toàn những chuyện không may mà ăn một bữa thịt chó có thể chuyển bại thành thắng, “Thật vậy, thịt cầy ở nước ta không phải là một món ăn như thịt dê, thịt lợn, nhưng nó lại còn là một niềm tin tưởng trong dân gian nữa. Vận đương xúi quẩy, ăn một bữa thịt chó vào người ta rất có hy vọng giải đen. Đánh bạc thua liền ba đêm này! Ăn một bữa thịt chó, có người gỡ lại hết cả tiền thua, mà lại còn được thêm là khác. Thử hỏi trong tất cả các món ăn trên thế giới có món ăn nào khả dĩ lại di chuyển được vận hạn của con người đến thế hay không?” (Vũ Bằng, Miếng Ngon Hà Nội). Đầu năm Bính Tuất, năm cầm tinh con chó, không được ăn một bữa thịt chó để xả xui thì cũng là một thiếu sót, một mất mát to lớn vậy.

Văn thơ và các câu ca dao, đồng dao của nước ta viết về những món thịt chó thật trân trọng và có thể nói là rất nghiêm túc. Món ngon sửa soạn công phu với đủ loại gia vị mà lại được một tay đầu bếp kinh nghiệm đầy người nêm nếm thì còn phải nói. Ngày trước để cạnh tranh với thịt bò bẩy món thì những quán thịt chó cũng ra quân với bẩy món cho đủ lệ bộ. Sau này nhu cầu ăn nhậu ồ ạt và đông vui hơn thì nhiều tiệm thịt chó đã trương bảng hiệu với mười một món trong đó có vài món đặc sản rất độc đáo mà chỉ bổn tiệm với nhiều năm trong nghề sáng tạo ra để phục vụ khách sành điệu. Quan niệm chung chung của khối “đại dân tộc” thì thịt chó là một món ăn của lớp người phàm phu tục tử. Một ông sư hổ mang thường mang luôn cái nhãn hiệu ông sư ăn thịt chó. Đạo Thiên Chúa không có giáo luật cấm ăn thịt chó nên các cha cố, qúy vị mục sư cứ nhậu thiệt chó thả dàn, nhậu mút mùa lệ thủy. Nhà văn Vũ Bằng đã lý giải: “Ôi , cứ nghe người ta nói thì đổ thóc giống ra mà ăn! Ăn thịt chó là thiếu văn minh, ăn thịt chó là bẩn thỉu, ăn thịt chó là bất nhân bạc ác… và còn gì nữa, và còn gì gì nữa! Người ta viện lý con chó là bạn của loài người, ăn thịt nó là mọi rợ, thế thì tại sao con ngựa, một chinh phục cao cả nhất của loài người mà người Âu Mỹ cũng đem ra đánh chén? Bảo là con chó ăn bẩn, thế thì con gà, con lợn, con cá ăn uống sạch sẽ ư?" (Vũ Bằng, Sđd)

Những tranh cãi về việc có nên ăn thịt chó hay không đã xưa như trái đất. Qúy vị quân nhân và công chức Cộng Hoà Việt Nam đã nhiều năm bị đoạ đầy trong các trại tù cộng sản đói khát triền miên đề ra một quy luật “con nào nhúc nhích là ăn”. Đói khát cùng cực đã xô đẩy con người đã phải ăn cả đến sâu bọ, nói gì đến một con…cầy tơ. Vấn đề của ngày hôm nay là với con chó và cả bộ lòng đủ tim gan phèo phổi người ta đang có những phát huy, những sáng tạo mới để bữa thịt chó ngon hơn, thơm hơn và bổ hơn. Ăn một bữa thịt chó nhớ đời cũng là một kỷ niệm khó quên như mối tình đầu có bao nhiêu xôn xao mộng mị.

Người Triều Tiên cả hai miền Nam và Bắc coi thịt chó là một món ăn đại bổ giúp tái tạo sức lực. Lúc còn sinh thời, tay độc tài khét tiếng Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên mê mẩn những món thịt chó của một đầu bếp người Hà Nội do Hồ Chí Minh gửi qua Bình Nhưỡng phục vụ. Những món thịt chó độc đáo gốc gác từ miền Bắc Việt Nam đã được người đầu bếp này sửa soạn vô cùng công phu để phục dịch Kim Nhật Thành và các cán bộ lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong gần hai chục năm trời. Ông già đầu bếp này hiện trên tám chục tuổi đã trở về Hà Nội và rất khoẻ mạnh. Miền Nam Triều Tiên được người Việt gọi là Đại Hàn tiệm thịt chó nhan nhản chẳng kém gì tiệm phở ở Sài Gòn. Dịp Đại Hàn được vinh dự tổ chức Thế Vận Hội tại Hán Thành, chính quyền khuyên dân chúng nên đóng cửa những tiệm thịt chó một thời gian để giữ thể diện quốc gia và tránh những lời ăn tiếng nói không được thân thiện của các lực sĩ trên khắp cả thế giới và số lượng du khách khổng lồ. Báo chí thuật lại rằng, các tiệm thịt chó cũng đã tích cực hợp tác với chính quyền bằng cách gỡ những bảng hiệu xuống nhưng sinh hoạt ăn nhậu ở bên trong lại ồn ào đông vui hơn rất nhiều.

Nơi quê nhà, bất kỳ xó xỉnh nào trên khắp miền đất nước cũng có tiệm thịt chó. Sài Gòn là đất tai mắt của một nước Việt Nam văn minh và sinh động nhưng chỗ nào cũng có tiệm thịt chó. Nhiều tiệm vẽ hình con chó mặt mũi rất hung hãn và liệt kê những món “độc” trên bảng hiệu. Tiệm thì đặc biệt món chả chìa, tiệm lại chuyên trị món bún xáo măng. Phía dưới bảng hiệu treo lủng lẳng một con chó đã thui vàng rộm trong tủ kính. Đầu chó quay ra mắt đường nhe hàm răng trắng gầm gừ trông thật chiến đấu. Dân nhậu thịt chó bây giờ không phải là độc quyền của qúy ông nhưng thấp thoáng cũng có những bóng hồng từ miền Bắc tiến công vào Nam . Các chiền sĩ gái tay cầm bó rau, tay ôm củ riềng theo nhịp quân hành của đội quân khuyển ồ ạt cắm dùi các tiệm thịt chó nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm đất Bến Nghé.

Vùng có nhiều tiệm thịt chó nổi tiếng như Ngã Ba Ông Tạ phục vụ khách ít tiền. Nhiều tiền muốn ngồi tiệm thịt chó có máy lạnh và các cô tiếp viên xinh như mộng thì đến Thị Nghè. Nhiều cô tiếp viên đẹp như người mẫu nhưng giọng nói vẫn còn rất lạc lõng giữa chốn phồn hoa đô hội. Các tay bợm nhậu cả quyết rằng ăn thịt chó thì phải ngồi ở những nơi đầu đường góc chợ mới đúng cách. Ngồi ở những tiệm sang trọng quá là mất đi phần nào tinh túy của bữa thịt chó. Đĩa chả chó vàng ngậy trên cái bàn gỗ mộc trông có lý hơn và ngon hơn cũng những miếng chả đó trên một cái bàn có trải khăn bàn trắng muốt thêu rồng bay phượng múa. Trịnh trọng quá, cung cách quá là mất ngon. Cứ luộm thuộm một chút thì gắp chả chìa sẽ thơm hơn, miếng dồi phải bùi phải béo hơn. Đã vậy, miếng thịt chó phải đi với cút rượu trắng mới đúng điệu. Rượu Bà Điểm hay rượu làng Vân cũng vẫn là nước mắt quê hương. Ngay cả Cognac XO cũng không hợp cái tì vị của miếng thịt chó, nghe nó nhạt mồm nhạt miệng làm sao.

Khi có được sự lựa chọn thì những người sành điệu đánh giá bữa thịt chó trên mầu sắc của bộ lông con chó. Mầu lông của con chó xác định một cách rõ rệt mức độ thơm ngon, “nhất trắng nhì vàng tam khoang tứ đốm”. Miếng thịt của con chó mầu trắng chắc phải ngon và thơm hơn miếng thịt của con chó lốm đốm mầu sắc. Cùng lắm thì “trời mưa chó trắng trời nắng chó vàng, mưa nắng rộn ràng trắng vàng làm hết ”. Mầu nào cũng chỉ là một châm chế nhẹ nhàng, không có trắng thì làm đỡ con vàng, vẫn vui. Một điều kiện không thể thay đổi được là con chó nhẩy lên bàn nhậu phải là chó ta. Chó tây thịt vừa hôi vừa dai như thịt trâu già. Chó tây chỉ để cho mấy bà đầm dẫn đi chơi hoặc làm mấy cái việc vớ vẩn thôi. Chó già quá hay non quá cũng không đúng điệu. Con chó chừng độ trên dưới hai tuổi là vừa độ… xuân thì, thịt chắc và mềm lại không nhiều mỡ, mùi vị không hôi như mấy con chó già. Tuổi già thì con gì mà không hôi!

Một bữa thịt chó sửa soạn công phu với nhiều món tùy từng địa phương. Người miền Bắc Việt Nam nổi tiếng với món chả chìa, món nhựa mận và những khúc dồi “dồi chó làm khéo thì cái ruột phải ken kỹ cho mỏng như tờ giấy, đến lúc ăn vào nó cứ ròn tan, không mềm lừ những tiết như dồi lợn mà cũng không bã như rơm, kiểu dồi tây; nhưng nó nhuyễn lừ đi, nhai kỹ lại hơi sừn sựt, bùi béo nhưng không ngấy” (Vũ Bằng, sđd). Nhà văn sành ăn của chúng ta lại còn đi vào chi tiết : “đĩa dồi tươi hơn hớn, miếng thì trắng, miếng thì hồng, miếng thì tím lợt, đôi chỗ lại điểm những nhát hành xanh mầu ngọc thạch… tất cả tiết ra một mùi thơm làn lạt như mùi hoa đông thảo lại ngồn ngộn như mùi thịt gái tơ.” (Vũ Bằng, Sđd) Viết về món nhựa mận, nhà văn thảng thốt: “Chẳng biết ông tổ nào nhà mình, trong một phút xuất thần, lại nghĩ ra một món kỹ tuyệt đến như thế được.” (Vũ Bằng, Sđd) Bát nhựa mận là cả một tiết tấu hài hoà âm dương, một phối hợp tuyệt vời của mùi vị. Chết xuống âm phủ không có đĩa dồi đã thực sự là một thiếu sót, thiếu bát nhựa mận thì cảnh âm phủ chắc còn u tịch não nề hơn.

Bên cạnh những đĩa chả đĩa luộc thì phải có đủ các loại rau thơm cho đầy đủ những đòi hỏi căn bản. Lá húng chó và lá mơ đã là cần phải có nhưng nếu thiếu củ riềng thì kể như hoàn toàn hỏng, bữa thịt chó trở thành vô duyên hết chỗ nói. Cái duyên của miếng thịt chó bám chặt vào củ riềng “con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Ăn một miếng thịt luộc hay miếng chả chìa thì phải cắn thêm một nhát riềng đi kèm với lá mơ và cọng húng. Như thế mới đủ bộ tam sên.

Miền Nam có món chó cà ri, chó hầm nước dừa sau này thừa thắng xông lên thêm món lẩu chó. Những món này cũng thuộc loại xìu xìu ển ển chứ chưa hề bao giờ được ngấp ngó ngoài cổng của vườn thơ ca tụng thịt chó. Người sinh ra và lớn lên ở miền đất mưa nắng hai mùa ăn uống không cầu kỳ như người miền Trung và so với người miền Bắc thì quá sơ sài. Trước khi một triệu người miền Bắc di cư vào Nam lánh nạn cộng sản vào năm 1954 thì người miền Nam chưa biết ăn thịt chó và rau muống. Sau này dân di cư tập tành cho người Nam ăn rau muống để da dẻ tươi mát, nhậu thịt chó đã bổ chiều ngang còn bổ chiều dài. Bây giờ : “dân Nam hạ cờ tây còn hung hãn ác liệt hơn mấy cha nội Bắc Kỳ.” Đồng bằng sông Cửu Long mang luá gạo ra nuôi dân Bắc. Đổi lại, chó ngoài Bắc cắn đuôi nhau dzô Nam làm mồi nhậu cho người anh em miệt cuối đất nước.

Con vua cháu chúa ở đất Kinh Kỳ ăn uống tất phải cầu kỳ và chọn lọc. Người Huế có món chó hà nàm rất đặc biệt rập theo cách thức của người Tầu, nghe nói đại bổ lại chữa trị đủ mọi loại bệnh tật. Món ăn này mục đích để bổ dưỡng và chữa bệnh chứ hoàn toàn không đáp ứng được những đòi hỏi của các tay nhậu. Để sửa soạn món chó hà nàm thì người ta phải canh chừng từng giây phút khi con chó có bầu sắp đến giờ khai hoa nở nhụy. Lúc những chú chó con xếp hàng ra khỏi lòng mẹ thì phải đỡ lấy, tuyệt đối không để cho rơi xuống đất. Sau đó bỏ tất cả những chú chó con chưa mở mắt này vào một cái nồi đất có rau khoai gia vị thêm bớt tùy người nấu. Nổi lửa hầm nồi chó hà nàm cho đến khi nào những chú chó con … tan thành nước. Trong nhiều trường hợp khác thì người ta mổ bụng con chó có bầu và lấy ra nguyên ổ chó con và cũng bỏ vào nồi đất nấu nướng như vậy. Món chó hà nàm thực chất cũng như một bát cháo chó mà thôi và hoàn toàn không phải là một chọn lựa của dân nhậu. Một món chó cũng rất công phu và cầu kỳ của dân sông Hương núi Ngự và đã được phổ biến khắp miền đất nước là món chó đắp đất. Con chó sau khi đã được làm lông và lấy bộ lòng ra cho sạch sẽ thì nhồi gia vị và đủ loại rau thơm hành tỏi vào trong bụng. Sau đó đắp thân con chó bằng lá ổi rồi bọc thật kín bằng bẹ chuối. Công việc sau cùng là trát một lớp bùn non lên trên bẹ chuối rồi đặt lên lò lửa nướng đến khi nào lớp bùn non đổi mầu như một loại gạch nung. Đập hết lớp đất và gỡ bỏ lớp lá bọc ngoài là kể như xong. Nướng con chó ở miệt Thị Nghè mà ngồi ở chợ Ông Tạ vẫn nghe thấy mùi thơm.

Tựu chung lại thì những món thịt chó dù ở bất cứ xó xỉnh nào thì đĩa dồi và bát nhựa mận vẫn được coi là số dzách. Hai món nhậu này thoả mãn được mồm mép của những tay nhậu rất khó tính. Trời mưa hay trời nắng, buổi sớm hay lúc chiều thì hai món nhậu rất bắt này vẫn là tiêu chuẩn hàng đầu của dân nhậu. Tuy rằng cả hai món nhựa mận và dồi đều kém xa món chó đắp đất nhưng đâu có phải lúc nào cũng có thể ăn được miếng chó đắp đất. Có người cả đời đã vật ngã hết con vàng đến con đốm nhưng vẫn chưa được đụng đũa đến miếng chó đắp đất. Bắc, Trung và Nam có đầy những bất đồng và khác biệt về đủ mọi lãnh vực nhưng xem chừng đĩa dồi và bát nhựa mận vẫn là tiêu chuẩn hàng đầu. Con chó chạy đường thiên lý từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu thì củ riềng hay củ sả cũng vẫn là bằng hữu, một thứ tình nghĩa anh em chí cốt.

Trời đã vào đông, lạnh lẽo và hiu quạnh. Bạn bè thân thiết quây quần bên mâm thịt chó. Tiếng cười nói rộn ràng bên những tiếng chửi thề ầm ĩ. Ăn nhậu xong, ngả cái điếu cầy ra “chơi” vài bi thuốc lào ba số 888 chính hiệu Cái Sắn thì Trời Đất cũng phải ngả nghiêng. Còn mơ ước đòi hỏi gì hơn. Ngồi ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hay kinh thành ánh sáng Ba Lê mà càm ràm mơ màng đến bữa thịt chó có nắm lá mơ và củ riềng chẳng khác nào tính chuyện lên cung Quảng thả dê chị Hằng. Sinh sống ở miền đất mà con chó được nâng niu trân trọng, cứ vài tháng lại được đưa ra tiệm làm móng chân và mỗi sáu tháng lại được các ông bà “thầy thuốc chó” chăm sóc sức khoẻ thì chớ bao giờ nói đến chuyện hạ cờ tây, dù chỉ là một ý nghĩ trong đầu óc. Lạng quạng là ra hầu ba toà quan lớn vào nhà đá bóc lịch mút chỉ đã vậy còn bị các hội bảo vệ súc vật sỉ vả mắng nhiếc thậm tệ. Bởi vậy những tay nghiện thịt chó đã giải toả sự thèm khát nhớ mong bằng món giả cầy. Các tiệm ăn Việt Nam trên đất Mỹ cũng có nhiều tiệm bán món giả cầy rất đạt tiêu chuẩn. Mấy tay bợm còn xuýt xoa khen bát giả cầy ở Cali thơm và ngon hơn nồi giả cầy ở Sài Gòn rất nhiều. Thôi thì không có thịt chó làm đỡ giả cầy cũng sướng chán. Đồ thật hay đồ giả, đồ nào cũng là đồ.


-----------------------
Phuongngugia nói :
- Vụ ăn tạp, xem ra thằng tui còn thua mấy đàn anh là cựu binh sĩ của quân đội VNCH xa lắc, thằng tui từng đọc một bài trong trang của Hoàng Hải Thủy, thằng cha luôn vỗ ngực tự xưng mình ên là “Công tử Hà Đông”… “Cái gì nhúc nhích là ăn…”, trời đất, nào ai biết mấy đàn anh phía bên kia “được cách mạng khoan hồng” mà phải sống in hệt thời Ất Dậu 1945 thế kỷ XX dân xứ mình bị chịu đày đọa dưới ách tụi phát-xít Nhựt. Print
 
Lên đầu trang