Thằng Tý lại nói, anh ơi cái đồng hồ của ông già ở Gò Vấp ở Đồng Khởi ai cũng biết, anh Sùng đi tới lui theo hoài mà ổng không bán, anh tới mua đi.
Một buổi sáng tại tiệm cắt kiếng nằm trên đường chi đó từ ngã năm Chuồng Chó đi tới ngã tư chợ Hạnh Thông Tây thì quẹo trái, hai người khách vô không phải đặt cắt kiếng mà là gặp ông cụ chủ nhà ngoài bảy mươi tuổi để xin phép bác cho con được nhìn cái đồng hồ một chút thôi ạ...
Tui dạo khúc mở đầu bằng màn giới thiệu thằng em bà con từ vùng quê heo hút đã cực khổ cả tháng trời nay để hoàn thành ước muốn của cha anh ta là một con chiên ngoan đạo đang ở mãi thận nước Huê kỳ xa xôi. Cha cậu ấy biểu cúng tiền cho nhà thờ là môt lẽ, nếu tìm mua được một món đồ gì để dùng dâng lên nhà thờ nơi chôn nhau cắt rún mà cúng dường thì tâm hồn của người con chiên bỏ nước mới đặng thanh thản. Gia đình cậu em cháu đang chỉ còn chờ có chuyến bay là vĩnh viễn xa quê cha đất tổ... Tui thành thiệt kể chuyện tụi cháu không biết, vô nhà thờ Đức bà xin hỏi mua một cây đèn trong số mấy chục cây treo dài trong nhà thờ liền bị la, đuổi ra chạy không kịp, chắc tui cũng có khiếu diễn hài, ngồi nghe tui vừa nói vừa hươ tay diễn tả, ông cụ ngồi nghe mà cười ho sụ sụ.
Thằng em út của bà xã, đã theo bà già vợ bỏ Saigon về quê sinh sống cả chục năm nay, lần đầu được đàn anh cho theo đi kiếm ăn nãy giờ ngồi im khép nép, coi, bản mặt ngơ ngơ của nó khỏi giả bộ. Theo lời đàn anh dặn thì tới lượt thằng Út ra tuồng, giọng nói ấp úng của thằng chưa từng ra đời lường gạt nói dối, nó kể với ông bác nhà nó ở xã Kim Long, nơi đó có xứ đạo nhỏ nghèo lắm, nay may nhờ một số Việt kiều gửi tiền về cúng dường giúp nhà thờ, nó kể vanh vách tên ông cha bổn xứ cùng chuyện lớn nhỏ của nhà thờ Kim Long, vì rằng gia đình vợ nó là dân công giáo gốc Thanh Hóa ngoan đạo thứ thiệt, ngày nào nó không nghe đám người nhà vợ đi lễ về nói chuyện này nọ. Tất cả những thứ đó phối hợp cùng điệu bộ tay chưn lóng ngóng của nó hẳn khiến ông già lõi đời kia tin rắc.
Suốt tuần liên tiếp, thằng Út ngày nào cùng xách ký nho đến nhà ông già, cái giá “Xin bác hiểu… gia đình con xin mang ơn bác đã đồng ý cho con mang chiếc đồng hồ về đặng cúng nhà thờ nơi bổn xứ… gia đình con không biết và không nghĩ chuyện mua bán, vậy con xin gửi bác một cây rưỡi… loại chín tuổi tám…”. Vai tuồng của thằng Út đã trọn, thằng tui kịp thời có mặt để kết thúc. Ông cụ, trong túi áo ngực vừa có một cây bảy năm phân vàng 24 chín tuổi tám, đứng rờ rẫm cái đồng hồ miệng lẩm bẩm mày ở với tao mấy chục năm, nay mày đi tao nhớ mày lắm, tao không được nghe tiếng của mày... Tui mau mau tháo lấy cái máy vọt lẹ bỏ mặc thằng em ở lại kêu xích lô chở cái thùng gỗ tổ bố.
Sau, thằng Xa-Rưn, thương lái người Campuchia nói với tui, anh Phương biết không, cái đồng hồ đó nó có tới năm kim và năm chuông lậng… anh bán cho tui ba cây là anh bị hớ… tui mang qua bển bán cũng… hớ luôn, bị nào giờ chưa từng gặp cái nào nên đâu biết… thứ này khó gặp lắm.
Tuần sau, tui tà tà xách gói quà tới thăm ông cụ coi có món gì ngon ăn nữa, nhân tiện thông báo… gia đình thằng Phước em cháu đã lên máy bay, má nó biểu cháu ghé thăm bác đặng chuyển lời mang ơn của gia đình nó tới bác. Ông cụ gật đầu nói bữa trước có người tới hỏi bác cái đồng hồ rồi nói thằng đó nó mua cái đồng hồ của bác về bán chớ cúng tặng chi, nó có cửa hàng ngoài Đồng Khởi chớ đâu, bác nói với người ta cậu Phước đã xuất cảnh… chính tôi tiễn cậu ấy ra sân bay.
Vui chuyện, ông cụ hơi nhổm người, tui hiểu ý kề tai nghe ổng thổi lỗ nhĩ: “Cha nhà thờ xứ Hoàng Mai đây hỏi bác có ai cần thì cha nhường cho cái đồng hồ của nhà thờ…” ./
|
Print