Là một thằng nhỏ sanh ra trong những năm sáu mươi và bắt đầu có được những nhận thức ban đầu từ những năm bảy mươi của thế kỷ 20, trong suy nghĩ non nớt với ký ức lộn xộn của thằng bé mười bảy tuổi... , tui nhớ lại, tui ghép từng mẩu chuyện đã được nghe, được thấy, cùng với kiến thức của mấy chục năm. Chắp nối từng mẩu sự kiện bản thân từng biết, từng đọc... Cảm nhận thiệt sự về một vĩ nhơn dần rõ nét trong tui.
Nhớ, một buổi trưa hay chiều một ngày năm 1969, đang dắt tay tui đi từ phố Hàng Bài theo phố Hàm Long về nhà ở số 51-51 phố Ngô Quyền là trụ sở của Bộ Văn hóa thì mẹ tui chợt kéo tay tui biểu đứng lại và phải giữ im lặng, tui ngơ ngác làm theo mà không hiểu, chỉ thấy quanh mình những người đang đi đều dừng hết cả lại, tui chỉ nhớ lúc đó có tiếng đại bác bắn đùng đùng rồi loa phóng thanh thông báo lễ truy điệu hay gì đó… tui biết một người mà tất cả mọi người già trẻ lớn bé đều kêu bằng “Bác Hồ” đã chết, có mấy người đang dắt xe đạp đứng im giữa đường chợt cùng khóc ầm ĩ làm thằng tui ngơ ngác không hiểu sao mấy người lớn lại khóc lóc mà gọi “Bác ơi” như vậy...
Năm 1979, khi ông già tui đã về tỉnh Sông Bé, thì có một người bạn của ông già tui từ hồi cùng công tác ở Ban Văn hóa Văn nghệ trung ương, cùng ngụ tại khu nhà tập thể số 4 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, bác Thành Duy cùng nhà văn Tô Hoài đều là hàng xóm với gia đình tui, những cái này là tui nghe bà già kể lại.
Lại nói, qua năm 1980 thì bác Thành Duy một mình vô Sông Bé gặp ông già tui rồi ông già tui thu xếp cho người bạn cũ công việc chuyên môn là viết lách, bác Thành Duy chưa có chỗ ở nên ở thị xã Thủ Dầu Một, tui kiêm luôn nấu cơm cho ba người...
Nhớ, bác Thành Duy kể chuyện ngày xưa ở Hà Nội khi tui còn nhỏ… lan man nhiều chuyện. Có bữa nhân kể chuyện, bác Thành Duy biểu Bác Hồ tuy lớn tuổi mà mạnh khỏe lắm, nói mày nghe là Bác… quân phiệt lắm tao từng gặp hai lần, hai lần gặp Bác tao đều bị ngã… tui chỉ nhớ bác Thành Duy kể rằng có lần tao đi thực tế về mệt quá, nghe có thông báo hôm nay Bác Hồ sẽ đến thăm cơ quan nhưng vì đói quá nên tao nghĩ cứ phải ăn cái đã, từ khu làm việc tới nhà bếp cơ quan có hàng rào nhỏ bị đổ nên mọi người đi qua đó xuống nhà ăn cho tiện, đang đi tao giật mình thấy có mấy người từ nhà bếp đi lên, tao nghĩ sao mấy người này không ra cửa trước cơ quan chờ đón Bác, khi đi tới chỗ hàng rào đổ thì tao nhận ra Bác, Bác Hồ đến mà không đi cửa trước, tao nghĩ Bác đi vào cửa sau để thăm nhà bếp xem ăn uống của cán bộ ra sao ấy mà. Khi gặp Bác, tao hoảng quá đứng nghiêm hô cháu chào bác ạ, Bác Hồ dừng lại, giọng rất nghiêm khắc hỏi tao chú làm gì ở đây, tao hết hồn báo cáo Bác, cháu đi công tác vừa về tới... cháu xuống nhà ăn... báo cơm, vừa nghe tao nói thì Bác lấy tay gạt tao qua một bên để đi, bác khỏe lắm, gạt một cái mà tao ngã nhào vô hàng rào... Thằng tui chỉ nhớ được một chuyện, còn chuyện kia thì đã quên mất.
Rồi những chuyện tui được nghe bác Thành Duy kể như : Bác Hồ mời cụ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm phó Chủ tịch trong chính phủ ; mời công dân đặc biệt Vĩnh Thụy làm cố vấn ; mời Ngô Đình Diệm làm cố vấn ; mời và tự nhận bạn thân với giám mục Lê Hữu Từ ; mời các nhân sĩ giáo sư Hoàng Minh Giám, nhân sĩ giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm Bộ trưởng Văn hóa trog từng thời kỳ ; trong kháng chiến gian khổ, để làm sôi sục bầu nhiệt huyết hàng triệu trái tim thì Bác khéo léo đặt một nhà thơ làm cánh chim đầu đàn của giới văn nghệ sĩ cách mạng để phát huy ngòi bút sắc bén góp phần tiêu diệt quân thù...
Tui còn nghe bác Thành Duy nói rằng qua những điều đó, Bác Hồ đã bộc lộ phẩm chất của một vị tướng giỏi văn võ toàn tài, trong từng thời kỳ cách mạng, Bác Hồ biết dùng đúng người đúng chỗ, xử lý từng tình huống cụ thể cực kỳ khôn khéo. Bác Hồ, với đảng viên thì nhân ái mà nghiêm khắc dạy dỗ. Với kẻ thù thì Bác khéo léo cứng rắn không khoan nhượng.
./