Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Hai ông Thạch

Lang bang trên net, tình cờ gặp một bài viết về nhạc sĩ Giáp Văn Thạch của tác giả Từ Nguyên Thạch, in hình thằng tui đã có bài trong đó có nhắc tới nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, vả lại tui không thân với anh Giáp Văn Thạch nên đâu có gì nói thêm về ảnh, duy có điều ông Từ Nguyên Thạch nhà thơ nhắc tới tạp chí Văn hóa Sông Bé, nhắc tới chú Út Nhân (Nguyễn Quốc Nhân), nói chuyện chú Út Nhân làm Chủ tịch Hội Văn Nghệ Sông Bé vân vân và vân vân mà hỏng thèm có nửa lời nhắc tới ông thầy của cả đám Nguyễn Quốc Nhân, Giáp văn Thạch, Từ Nguyên Thạch, Trần Bình Dương, Phạm Ngọc Am… thì thiệt là láo, láo quá. Thằng tui từng theo ông già về Sông Bé cuối năm 1979 theo lời gọi của Bí thư tỉnh ủy Đỗ Văn Nguyện, từng chứng kiến ổng dùng kinh nghiệm mấy chục năm làm công tác tuyên huấn cùng quản lý văn hóa để phát triển ngành văn hóa của tỉnh, thành lập Hội Văn nghệ mà anh Giáp Văn Thạch là Phó chủ tịch kiêm phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ. Còn Từ Nguyên Thạch và Trần Bình Dương hồi đó cùng là giáo viên tiểu học đâu miệt nước độc Bình Long hay Phước Long chi đó, Từ Nguyên Thạch gốc nẫu (Huế) có vợ bán thuốc tây lậu ở chợ Tân Định rồi đi kinh tế mới, cha Thạch kiếng cận nhỏ con ốm nhách ra rẫy cầm chiếc cuốc hỏng nổi mới xin gõ đầu trẻ đặng kiếm cho đủ ngày hai chén gạo luộc.

Tết Nguyên đán 1979 - 1980, ông già tui từ Phó Văn phòng Bộ Văn hóa kiêm Trưởng đại diện Hà Nội tại 170 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 tp/HCM, phụ trách ngành văn hóa các tỉnh phía nam vừa về nhận Phó trưởng Ty Văn hóa tỉnh Sông Bé lập tức cho khai Hội hoa xuân tại vườn hoa Tao Đàn (Saigon) cùng sự góp mặt đông vui của nghệ nhân hoa lá cây kiểng các tỉnh từ Quảng Năm - Đà nẵng tới Minh Hải. Cũng từ khi ổng về Ty Văn hóa Sông Bé mới hoạt động ỳ xèo, anh Giáp Văn Thạch được lịnh đi kiếm tay nào có khả năng sáng tác. Anh Châu, tức nhà thơ Trần Bình Dương nay là phó chủ tịch Hội văn Nghệ tỉnh Bình Dương ngồi uống café kể tui nghe ảnh với ông Thạch ròm được ông Thạch nhạc sĩ phát hiện khi đang hàng ngày bị hít bụi phấn thì mang về bồi dưỡng đặng có hạt nhân nòng cốt. Anh Châu gật đầu biểu anh Giáp Văn Thạch là người dẫn dắt tụi tao vô nghề sáng tác rồi chính ảnh tiếp lửa cho tụi tao.

Cha Thạch ròm nịnh ông Út Nhân nhưng là nịnh bậy, với tính cách hách xì xằng của ông Nguyễn Quốc Nhân từng nổi tiếng mặt sắt đen sì bóp cổ đám các đoàn cải lương ná thở gánh nào như gánh đó khi gặp tui là đám ngoại vụ nhăn nhó như khỉ ăn ớt mà rên cha Út Nhân ăn chi ác đức quá... khi đó nếu không bị ông già tui sai thì sức mấy chịu “tức tốc đi trong đêm để đón xác anh về" như Thạch ròm nói. Ông già tui tư duy theo cách của ổng là chỉ trân trọng tài năng thiệt sự, ổng buồn vì thương một đệ tử có tài vắn số và lo vì thằng lính ruột chết đi lấy ai làm việc, mình ổng gánh sao hết cái Hội Văn nghệ toàn đám mới học viết lách, lại cả tờ báo Văn nghệ… lại còn cả Ban tuyên giáo tỉnh Sông Bé với tư cách chuyên viên mà tối ngày ông Mười Trận Trưởng ban, tiếp đó người thay bác Mười là chú Bảy Thỏa (1997 chia tỉnh thì về Bình Phước làm Phó chủ tịch) sai đám chị Hằng (nay 2010 là Phó Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy BD), chị Mãn chạy vô nhà líu tíu chú Chính ơi chú Chính à bác Mười hỏi, chú Bảy hỏi nên giải quyết chuyện đó... chuyện đó... thế nào. Cũng do lối tư duy bị coi là cổ hủ cản hướng ngáng đường phát tài của đám người mới lơ láo từ trong rừng ra nắm quyền mà ổng bị dần gạt ra rìa từ năm 1983 rồi còn bị xô qua cho quản lý đám ba xạo như cha Thạch ròm.

Lại nói, cha Từ Nguyên Thạch vô Hội Văn nghệ Sông Bé một thời gian rồi ngày nào cũng vô nhà tui mà năn nỉ ỉ ôi, cuối cùng rồi chả cũng được bái bai đất Thủ cuốn tượng tếch zìa Saigon.

2001 khi ông già tui đi đoàn tụ ông bà thì ông Thạch nhà thơ cùng vài nhà báo tới đặng tiễn ông già tui chuyến tàu suốt, cũng tham gia sụt sùi à ơi ví dầu chú Chính thế nọ, chú Chính thế kia… rằng thì là Phương ơi Phương à, anh nhứt định sẽ có bài viết về sự dẫn dắt của chú Chính đối với các văn nghệ sĩ văn gừng sĩ, sau khi tía lia rồi chả dzọt mất tiêu tới giờ luôn. Theo tờ danh thiếp đưa cho tui hồi 2001 chả là trưởng phòng tuyên huấn báo Người Lao động, nay hỏng biết mần cái chi?

Về quan hệ giữa hai ông Thạch với nhau thì tui không rõ, cứ theo lối hành xử khi làm việc tại nhà tui thì nhứt định anh Giáp Văn Thạch hỏng phải là bạn như ông Thạch nhà thơ khoe mà là cấp trên, sư phụ dạy nghề viết lách và ông Từ Nguyên Thạch chỉ là một trong số đệ tử của anh Thạch nhạc sĩ. Anh Châu (Trần Bình Dương) còn đang ngồi nơi ghế Phó chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bình Dương đầu hẻm nhà tui cũng đệ tử anh Thạch đó kìa. Hỏi biết liền chớ chi, anh Châu hồi đó là cặp bài trùng với Thạch ròm chớ ai.

Nói thêm, ông già tui ưa làm việc với đám thơ ca văn nghệ sỉ lẻ ở nhà đặng khi mần việc vừa uống trà vừa mặc sức uống rượu, tánh ổng vậy cả tỉnh ai cũng biết, chừng xong việc là bày trận vô cuộc nhậu liền. Trận nào cũng tiên phuông “giáp văn đá” dẫn lối mở đường ngoắc cần câu chết trước họ, còn như “từ nguyên đá” thứ gà mái gặp nhậu là lủi đâu mất tiêu.

Nói anh Thạch nhạc sĩ đụng trận là xỉn trước không phải do ảnh uống yếu mà mấy ông kia uống quá dữ. Đệ tử ông Nguyễn Chính đều thua ổng vụ rượu ở đặc diểm sáng sớm mình ổng một bình trà một lít rượu làm việc tới trưa, sau đó uống tới tối mà không hề đụng đũa một lần cũng khỏi cơm cháo nước nôi. Hic, nhậu kiểu đó lính lác sợ dài dài. Năm 2001 anh Hai Trung (tức Sáu Sang, tức Mai Thế Trung, khi đó ủy viên TW và là phó bí thơ trực tỉnh ủy Bình Dương, còn nay 2010 đương nhiệm Bí thơ); cùng anh Tư Đương (Phan Văn Đương khi đó chủ tịch mặt trận tỉnh còn nay thì chủ tịch Cựu chiến binh) về chùa Trường Thạnh ở đường Ký Con quận nhứt thắp nén nhang cho ông già tui, khi đó tui chạy ra đón ông sếp lớn rồi tháp tùng bên cạnh thì nghe anh Tư hỏi nhỏ anh Hai rằng ông Chính có nhậu hôn, anh Hai nghe hỏi thì quay dòm anh Tư mà lắc đầu, miệng kêu trời trời vậy là ông chưa nhậu cùng ổng lần nào hả...

Ậy, nói về nhậu thì Trần Bình Dương nay Phó chủ tịch Hội VN Sông Bé cũng thứ gà nòi chớ chẳng vừa, anh Châu (Trần Bình Dương) hồi đó giống hệt ông thầy lớn ở chỗ nhậu tới chết, lết chưa chịu nghỉ. Nếu hồi đó Nguyễn Chính là "chủ tịch Hội say xỉn" tỉnh Sông Bé thì "ban thường nhậu" là chú Năm Cội (phó Giám đốc cty fafim), chú Út Dũng (Giám đốc XN in), anh Giáp Văn Thạch (Phó chủ tịch Hội VN kiêm phó TBT báo VN Sông Bé), anh Trần Bình Dương (nhà thơ, biên tập viên báo VN).

Bắt giò ông Thạch ròm phát nữa, Ty Văn hóa Sông Bé sau đổi là Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Sông Bé không có phòng nào là Phòng Biên tập - Văn nghệ như Thạch ròm tự đặt tên rồi tự phong cho mình là phụ trách mảng văn học, nói dóc. Sở Văn hóa - Thông tin có các phòng là Phòng Văn nghệ, Trưởng phòng là chú Nguyễn Quốc Nhân, lên Phó GĐ Sở rồi về làm Chủ tịch Hội Văn nghệ sau khi ông già tui nghỉ hưu. Nói thêm, năm 1985 ông già tui gởi đơn xin nghỉ hưu rồi ở nhà luôn, mấy ông thường vụ bụng mừng rỡ mà vẫn mèo khóc chuột ấy đừng... đừng, đề nghị anh khoan nghỉ đặng còn đóng góp cho tỉnh nhà nữa chớ, tới 11/11/1987 mới buổi Hội nghị để ra "Nghị quyết số 54/QĐTU" về việc biểu quyết nhất trí đồng chí Nguyễn Chính về đuổi gà cho vợ, Điều 2 là giao UBND tỉnh mau mau ra Quyết định cho ổng nghỉ hưu. Lại nói, phòng Văn hóa quần chúng Trưởng phòng là anh Nguyễn Thế Sương (Út Sương), lên Phó GĐ Sở rồi năm 1997 đi làm giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Phước. Phòng tổ chức hành chánh trưởng phòng là anh Năm Thành (Vũ Đức Thành), lên phó GĐ Sở, sau qua Chánh văn phòng UBND tỉnh rồi 1997 về làm GĐ Sở rồi đi nhận chức Bí thư huyện ủy Phú Giáo chừng hơn năm lại về làm Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương (vừa nghỉ hưu hồi tháng 5/2010). Ông Thạch ròm chém gió nổ bậy quá xá.
Print
 
Lên đầu trang