Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Sống lâu hiểu nhiều

Thằng tui vẫn nói với đám em út nhiều năm đi theo rằng một ai đó chỉ là sống nhiều chớ đâu cần sống lâu mới hiểu nhiều.

Nhớ, sau một năm rong chơi đi theo gánh cải lương Sông Bé 3 lưu diễn dài từ đất Bắc về phương Nam, cuối năm 1982, gánh hát về tới tỉnh Đồng Nai, do đã chán cuộc sống cải lương "ăn cơm kế bên cầu tiêu, tắm rồi thì đứng giữa lộ thay quần áo" và nếm trải đủ mùi sương gió mà thằng tui không thèm đi nữa. Sau khi tui về nhà, cô Út Sinh chủ đoàn cải lương Sông Bé 2 tới nhà chơi rồi rủ tui đi chơi theo đoàn hát của cổ, tui nể lời ông già nên qua sân vận động Củ Chi nơi đoàn Sông Bé 2 đang lưu diễn vài ba ngày rồi lại bỏ về.

Sau thời gian lang thang theo cải lương trải nghiệm cuộc sống “ăn bờ ngủ bụi”, tui có rút ra vài điều, thứ nhứt, một thằng nhỏ chừng 13,14 tuổi sống trong một gánh hát thì nó sẽ khôn hơn hẳn một thanh niên 30 tuổi ngoài đời thường. Vì lẽ, trong đoàn hát gồm khoảng 70 người mà đủ các thành phần, từ anh kép nổi tiếng Minh Phụng Minh Vương Thanh Tuấn đến cô minh tinh màn bạc cũ Thanh Nga Kim Cương, cô đào mùi Bạch Tuyết lừng danh “cải lương chi bảo” tới kép Minh Thành giải Khôi Nguyên cải lương 1963 nay (1982) lậm xì ke dòm bộ rách rưới khốn nạn in hệt thằng ăn mày, từ anh vua hề Thanh Việt Tùng Lâm Phi Thoàn đến thằng cầu chài vác rương dựng sân khấu thứ đâm thuê chém mướn hiếp dâm cướp của rồi trốn vô gánh hát để rày đây mai đó đặng dễ bề lẩn trốn sự truy bắt của pháp luật.

Tóm lại một gánh hát in hệt một xã hội thu nhỏ, bữa nay cô đào thương này bỏ đi gánh hát khác qua bữa sau anh kép chánh nọ từ miền Tây đón xe đò mang quần áo tới gia nhập, trong một ngày có ba, bốn thằng cầu chài từ gánh hát khác vác rương quần áo tới gặp ông bầu gánh xin theo, thì cũng bằng đó thằng xách gói nhảy xe đò bỏ đi kiếm chỗ trú thân nơi gánh khác. Ở ngoài đời thường có thể ta đã gặp hạng người này mà chưa từng gặp hạng người kia, vậy chớ sống trong một gánh hát thôi thì đủ hết…

“Ăn hết mấy nồi cơm cháy rồi?”, là câu của một dân gánh hát hỏi một ai đó khi người đó tự ái nổi giận hoặc có hành vi nông nổi vì chuyện chi bất kỳ. Câu hỏi của dân gánh hát hàm ý chê trách một người ra đời cực khổ kiếm miếng cơm mà không biết tự kềm chế bản thân dẫn đến không tự chủ được cảm xúc hay có hành động thiếu lý trí mất khôn ngoan…

Nhắc tới mấy danh hề, tui còn nhớ ông Thanh Việt đứng tại quán café “Không tên” do ca sĩ Bạch Long pê đê mở gần nhà tui nơi ngã sáu Saigon, ông hề “râu” đứng nhịp giò nơi lề đường, hai tay xỏ túi quần. hàm râu nhích nhích giọng lè nhè biểu vui tao mới đi hát, buồn thì tao làm đĩ đực cho có người nuôi… Danh hề Phi Thoàn điệu bộ nói hay sửa miệng thằng tui thấy hỏng có chi đáng… hề.

Hề Tùng Lâm “mỏ chuột” năm 1980 anh Bính tức ảo thuật gia Kim Sơn, người đã xin là con nuôi ông già tui, anh Bính dắt một bầy lên “tăng cường” cho đoàn văn công tỉnh Sông Bé, sáng anh em ngồi uống café trong chợ Thủ, tụi con nít thấy danh hài Tùng Lâm tướng lùn tịt đang ngồi đó lập tức hè nhau kêu la om sòm Tùng Lâm mỏ chuột… Tùng Lâm mỏ chuột, vua hề mỏ nhọn người lớn vậy chớ cư xử thiệt âm binh, chả đỏ mặt tía tai đứng dậy nạt dọa tụi nhỏ…

Trong các tay kêu bằng danh hài, tui khoái nhứt là Thanh Việt và Văn Chung. Sau này có thêm hề Vũ Đức đoàn Sông Bé 1 thời anh Út Sương (Phạm Thế Sương, năm 1997 là Giám đốc của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Phước mới thành lập) làm trưởng đoàn. Nhớ khi hề Vũ Đức mới về đoàn Sông Bé 1, tui và ảnh, anh em chưa quen biết nhau, có lần trước mặt tui tại rạp Thanh Bình, hề Vũ Đức lớn tiếng khoe "con trai ông Nguyễn Chính rất khoái coi tui diễn hài"...

Khi gánh hát xin phép và dựng sân khấu để hát tại ngã ba Ông Đồn, tui xách rương quần áo chuẩn bị ra đón xe đò về Saigon, lúc tui chào từ biệt bà con, các bà các cô tổng khậu xúm xít, bà Hai Quy Sắc (vợ soạn giả Quy Sắc) hỏi rằng chừng nào tui lại lên, tui trả lời chắc con về ở nhà luôn không đi nữa... nhỏ Nhạn là cháu ông bầu chỉ mặt tui biểu ông Phương về nhà chừng vài bữa nhớ gánh hát lại lên bây giờ, ông ăn cơm tổ cả năm rồi bỏ mà đi dễ quá vậy sao được.
Thằng tui nghe rồi chỉ cười.

Một người từng ăn cơm cải lương lăn lộn giang hồ, đầy dẫy những lường lọc rồi sẵn sàng đâm chém, nơi người xấu nhiều người tốt ít, thì còn chuyện chi mà chưa từng gặp?

Vậy đó . Print
 
Lên đầu trang