Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Chút thoáng qua trong đời

Năm 1982, khi đoàn cải lương Sông Bé 3 ráo riết chuẩn bị cho chuyến đi lưu diễn dài ngày phía bắc dưới danh nghĩa chính thức là đi Hà Nội biểu diễn phục vụ đại hội đảng. Bữa nọ tui qua Phú Lợi vô Sở Văn hóa chơi một chặp rồi rủ chú Út Nhân là Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ ra ngoài uống café tại quán cóc nơi bây giờ là ngã ba Phú Lợi - Huỳnh Văn Nghệ (chú Út Nhân tức Nguyễn Quốc Nhân, sau này là Phó GĐ Sở VT-TT, rồi qua làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Sông Bé và đã nghỉ hưu từ lâu), hai chú cháu ngồi tán dóc thì một cô gái vô hỏi chú Út Nhân rằng:
- Chú ơi cho con hỏi Sở Văn hóa thông tin là chỗ nào xin chú chỉ dùm con.

Khi chú Út Nhân trả lời cô gái rồi chỉ chiếc ghế biểu cô ta ngồi, thằng tui cũng quan sát, cô gái đó tuổi chừng hai mấy, tướng tá nhỏ con ốm nhom, nước da cô gái không phải đen thui như tui mà là thứ nước da người nam kêu bằng da bánh ít, mái tóc dài gần tới thắt lưng, mắt một mí, khuôn mặt nhỏ cằm hơi nhọn với cái miệng nhỏ… túm lại với cặp mắt dòm gái của thằng nhóc 20 tuổi lại nổi danh ăn chơi số 1 nơi thị xã Thủ Dầu Một thời đó là tui thì con nhỏ này già ngắc lại xấu hoắc.

Lại nói, cô gái nói chuyện qua lại với chú Út Nhân rồi tự giới thiệu rằng tên là Lý Bạch Huệ, 27 tuổi, từng công tác tại đoàn văn công tỉnh Tây Ninh, có chồng là họa sĩ trong đoàn và đã có 1 con trai còn nhỏ, và cô ta còn nói gì gì đó mà tui hỏng thèm để ý nghe, chỉ nhớ rằng cô Huệ đó có giới thiệu mình từng ngâm thơ trên đài phát thanh thành phố bla… bla.

Buổi sáng ngày đoàn Sông Bé 3 lên đường đi Hà Nội, chuyến đi gồm 2 chiếc xe, một là xe tải lớn chất đầy chở nặng, chiếc còn lại để chở người là xe ca, loại xe đò bự thường chạy liên tỉnh mà chú Hoài Nhân hợp đồng mướn tại HTX vận tải Sông Bé, khi leo lên xe kiếm chỗ ngồi, tui chợt dòm thấy cô gái tên Lý Bạch Huệ ngồi thu mình trên ghế, thấy tui dòm cô ta khẽ gật đầu mỉm cười môi mấp máy.

Chuyến đi đó cách nay đã mấy chục năm nên tui chỉ nhớ vài chi tiết rằng tới đèo Hải Vân thì xe hư gãy chi đó phải ngưng chạy, chờ cả nửa ngày hỏng thấy xe nào đi chiều ngược lại nên nhà xe tháo đồ xe tải quay xe ca lại Đà Nẵng kiếm nơi sửa. Lại có khi phải ngưng lại ngủ đêm giữa đường, hồi đó dọc theo QL1 đường xá hoang vu nhà cửa thưa thớt hai bên đường toàn cỏ hoang, sáng mai dậy đi kiếm chỗ có vũng nhỏ mà múc thứ nước vàng khè súc miệng…

Tới Hà Nội thì ông già tui đã chuẩn bị sẵn nơi ăn ở tươm tất cho cả đoàn mấy chục người là nhà khách tại đường Hai Bà Trưng. Bà con tranh thủ rủ nhau đi thăm thú phố phường Hà Nội đặng cho biết với họ.

Được đâu vài ba bữa thì xảy sự cố, công an Khu phố Hai Bà Trưng, Hà Nội xác minh rồi báo về cho đống chí Hoài Nhân trưởng đoàn cải lương Sông Bé 3 mới từ miền nam ra công tác rằng đống chí soạn giả Loan Thảo vừa bị bắt quả tang đang mua thuốc phiện để chích. Rứa là ông Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Sông Bé kiêm trưởng đoàn đi công tác Hà Nội của Sở là Nguyễn Chính phải gấp gấp chạy qua thổi lỗ nhĩ Ủy viên TW đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Độ đặng ông thầy thu xếp êm để khỏi mất uy tín Sở VT-TT tỉnh Sông Bé.

Năm 1982 tui mới 20 tuổi và cô đào Lý Bạch Huệ khi đó là 27 tức lớn hơn tui 7 tuổi nhưng với lý lẽ rằng tui là con trai phải được kêu bằng anh, còn Huệ là con gái tất nhiên phải xưng em với tui, cãi qua cãi lại rồi cô ấy cười xòa chịu làm em.

Đoàn hát biểu diễn tại Hà Nội rồi đi Hải Dương, mặc dù chỉ mới gặp gỡ nhưng tui thấy thân với Lý Bạch Huệ nhiều vì tui nhận định đào Bạch Huệ là người có học nên tui có biệt nhãn so với đám đào cải lương chỉ vừa biết chữ đủ để đọc ron tuồng. Những khi chỉ hai đứa với nhau Lý Bạch Huệ mới trải lòng thổ lộ chuyện riêng gia đình cô ấy tui mới biết cái mà thiên hạ kêu bằng mái ấm thì với Huệ lại là mái nguội.

Lý Bạch Huệ, tui gọi là “Nữ hoàng ban đêm” bởi lý do thiệt đơn giản, ban ngày dòm cô ta xấu ỉnh thế nhưng người mà hàng đêm ngồi nơi dãy ghế đầu dưới khán giả lại là một Lý Bạch Huệ khác khi mặc áo len màu nâu, bên ngoài khoác chiếc áo da màu xanh trời, cổ quấn khăn len, mái tóc hơi dợn sóng xõa dài, ánh đèn từ sân khấu hắt xuống thấp thoáng một khuôn mặt với cái mũi nhỏ cùng cái miệng cũng nhỏ khéo tô son làm nổi bật đôi môi mà đối với thằng tui thì đó phải là vẻ đẹp đài các kiêu sa của nữ hoàng Cleopatra mà tui đã đọc trong truyện.

Đâu phải chỉ mình tui thấy Lý Bạch Huệ đẹp, còn thằng cha đạo diễn trắng trẻo đẹp trai học ở Nga về mà chú Hoài Nhân mời tới làm đạo diễn kìa, chắc là hắn ta để ý cô ấy từ Hà Nội, khi đoàn hát lên Hải Dương diễn được vài bữa, buổi sáng đó tui thấy Lý Bạch Huệ đi tới chỗ tui mà đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ, nhìn thì biết cô ấy vừa khóc mà không biết là chuyện chi nên tui hỏi tại sao em khóc, Huệ lắc đầu ứa nước mắt, tui gặng hỏi cô ấy vẫn lắc đầu và nước mắt chảy nhiều thêm. Con trai thì phải che chở cho con gái chớ, tui kéo Lý Bạch Huệ lại, lấy tay quệt má cô ấy rồi biểu: “Nói đi, ai làm gì em, không chịu nói thì sao anh biết”. Lý Bạch Huệ cúi mặt lý nhí: “Ông đạo diễn… ông ấy nói ông ấy… yêu em… rồi… rồi… ông ấy… hôn em… em không muốn vậy đâu…”

Hầy a, vừa nghe chính miệng đương sự nói gã đạo diễn tên Thắng dám làm hỗn người của mình thì tánh anh hùng rơm của thằng nhóc 20 tuổi nổi đùng đùng. Tui đứng lên đi kiếm cha Thắng để gây chuyện, với bản mặt hầm hầm tui lên tiếng sao anh dám làm hỗn… thì cha đạo diễn Thắng lật đật ấy ấy anh em có gì từ từ nói, hắn giả lả kéo tui ra ngoài sân rồi nhỏ nhẹ giải thích tại bị rằng thì là dây cà ra dây muống này kia kia nọ, thằng nhóc là tui khi đó sức mấy đấu lại thằng người lớn kể luôn cả võ miệng… sau hết gã đạo diễn vỗ vai thằng oắt con là tui miệng te tét lơ pát sê e lơ pát sê lại bốc thằng nhỏ một phát: "Mình cùng là đàn ông với nhau mà"... rồi bỏ đi mặc kệ tui đứng xớ rớ.

Lại nói, đào Bạch Huệ từng công khai tỏ rõ không phục đào Kiều Hoa từ sắc vóc tới giọng ca và diễn xuất, đào chánh Kiều Hoa thân là chủ gánh hát mà tánh thiệt vớ vẩn, ai đời bà chủ quyền uy lại ăn thua với một đào đàn em dưới tay lại đang đơn độc cô thế. Lý do là đào Kiều Hoa không chịu chia vai cho đào Bạch Huệ, theo yêu cầu của lãnh đạo Sở VH-TT thì trước khi đi Hà Nội chú Hoài Nhân phải tăng cường đào chánh cho gánh hát. Do sợ kêu đào chánh phải trả tiền nhiều nên chú Hoài Nhân mới kêu đào Lý Bạch Huệ để trả lương hàng đêm rẻ bèo, liên tục nhiều xuất hát đào Lý Bạch Huệ không được lên sân khầu thi triển tài ca hát diễn xuất mà ngồi làm khán giả đặng lãnh đờ mi tức không có vai diễn thì chỉ được lãnh nửa lương. Bữa nào bà chủ Kiều Hoa bị sổ mũi nhức đầu thì đào Lý Bạch Huệ mới có cơ hội lên sân khấu thủ diễn đào chánh đặng minh định mình không hề thua kém đàn chị. Nói nào ngay, theo tui nhận xét khi đó mà không nhờ cả đống tiền bạc đểm tô thì bù qua sớt lại đào vừa đoạt giải A1 toàn quốc Kiều Hoa cũng khó hơn được đào Lý Bạch Huệ.

Lại nói, đào Bạch Huệ không được thể hiện sự đam mê sân khấu của mình nên tỏ ra buồn chán, còn nhớ, tối đến khi gánh hát lên đèn, lũ đào kép nhộn nhịp tới lui trống chiêng rộn rã thì Bạch Huệ nằm đắp mền một mình nơi tổng khậu, bữa nào đám con Huyền vợ thằng kép chánh Chế Mỹ, con Thủy đồ hội, vợ và con gái soạn giả Quy Sắc, cùng mấy người nữa ngồi tám chuyện vui vẻ thì Huệ vui cười, còn các đêm khác cô ấy lại một mình buồn thiu. Phần tui khi thấy Huệ buồn thì vô cùng cô ấy nhưng chỉ chặp sau ham vui lại bỏ ra ngoài chơi…

Rốt cục, Lý Bạch Huệ cũng từ bỏ đoàn Sông Bé 3 rồi giã từ tui mà trở về miến nam.

Năm 1984, Lý Bạch Huệ vô nhà thăm ông già tui tại Thủ Dầu Một thì tình cờ hai đứa gặp lại, nghe tui nói mới cưới vợ, Huệ vẫn thản nhiên như không, ngồi chơi một chặp cô ấy chào rồi về. Từ đó tới giờ không gặp lại.

Tui vô mạng internet thì được biết Lý Bạch Huệ lấy một ông nhà thơ nổi tiếng và ông chồng cô ấy đã mất, còn hiện nay Lý Bạch Huệ có cuộc sống rất tốt.

Chắc hẳn những tháng ngày tui vừa kể thì đối với cô đào Lý Bạch Huệ chỉ là một thoáng thời gian không đáng nhớ. Ngược lại với một thằng nhóc cách nay 29 năm khi đó mới 20 tuổi nhìn đời thấy toàn màu hồng lại là một kỷ niệm dù thoáng qua nhưng rất đẹp.
Print
 
Lên đầu trang