Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Phí ngu

Chớ kể là một đàn anh kinh nghiệm đầy mình hay thứ mới đẻ lơ láo ra đời. Có thằng nào lăn lộn kiếm ăn mà khỏi đóng phí ngu?

Một thằng dân làng đá, tức dân mua bán đá quý ở Saigon thời 1990 - 1994, là anh Hiệp “mập” nói:
- Thằng Phương vào nghề không mất học phí là do nó may mắn có anh em mình.

Quả có vậy, phuongngugia tôi là thằng tay mơ nhảy một phát ngang xương vô nghề mua bán đồ xưa, một thằng thứ chân đất mắt toét - đang đói cơm bắt buộc phải kiếm tiền nuôi vợ - khơi khơi ra Đồng Khởi góp mặt với các anh tài giới đồ cổ mà không bị đóng phí ngu là do trước đó đã có thời gian lui tới Đồng Khởi rồi kiếm sách nói về đồ cổ mang về nhà tự “ngâm cứu”. Món nào không biết tôi xách đi hỏi anh Truyền Shop Phương Loan, hoặc anh Hải “voi” cửa hàng số 69 đối diện với tôi. Sau lại khơi khơi nhảy vô nghề đá quý mà không bị đóng phí ngu là nhờ may mắn.

Nhớ, sau khi nghe lọt tai lời đề nghị của anh Hiệp “mập” tôi đồng ý cho ảnh nhờ cửa hàng của tôi làm nơi bày bán và giao dịch mua bán đá quý với khách ngoại quốc, lúc đó mấy anh em dân làng đá đóng đô tại tiệm của tôi là anh Trường “nẫu”, anh Hiệp “mập” và thằng Lộc “lùn”, bác Cả ngồi đâu là vài thằng anh em bu đó, và đương nhiên sẽ có tụi cò mang đá tới chào bán.

Tận mắt thấy tụi nó mua 1 trăm bán 1 ngàn, mua 6 ngàn bán 10 ngàn. Đầu tháng bỏ ra 3 ngàn đôn mua háng xanh (Saphia) mài xong gởi cho thằng Hòa “tàu” bạn bác Cả tức anh Trường “nẫu”, thằng Hòa giao thằng chủ công ty người Đài Loan mang đi nước ngoài bán, cuối tháng nó quay về trả tiền và cho mình lời 20%. Mức lời khiến tôi bắt ham mà vô nghề mua bán đá, nhờ đám anh em ủng hộ, mỗi lần có ai mang đá tới Đồng Khởi chào bán, hồi đó nói mang ra Đồng Khởi tức là tới cửa hàng của tôi số 24 Ter, bà con nể mặt nhường tôi mua trước, nói nhường cho tình cảm chớ thiệt ra thời đó chúng chỉ mua bán kiểu thằng có hàng phải gởi hàng cho thằng có khách bán chớ đâu thằng nào nắm khách trong tay mà chịu ra tiền mặt. Hàng xanh (Saphia) mua 2 trăm gởi bán 5 trăm, thằng có khách cầm bán tới 1 ngàn. Trước khi tôi xuống tiền, viên đá, hoặc cả lô đá sẽ bị hàng chục bàn tay cùng những cặp mắt nhà nghề săm soi. Nhờ đó mà tôi chưa bị mua lầm viên hàng giả nào.

Nhớ, trước khi tôi vô làng đá, bữa nọ có một đàn anh tự nhận là dân Phan Thiết tới chào mời tôi mua đá quý, cầm cục đá cỡ ngón chân trái có xanh đậm dính màu đen mà nặng chịch tôi không biết là cái chi nhưng qua cách nói chuyện cùng bằng con mắt nhìn người của mình, tôi nhận định thằng cha này không phải thứ lừa đảo. Rốt cuộc tôi trả giá viên đá giá 1 triệu, là tiền lời bán hàng của ngày hôm đó, để trấn an bà xã tôi biểu rằng nếu bán không được kể như bữa nay mình không có lời.

Sau khi vô nghề đá tôi mới biết viên đá đó là thứ lay-thay tức đá chết chỉ có thể khắc tượng, giá viên đá đó theo thời giá cỡ… 1 trăm ngàn đồng là cao. Hic. Cũng nhờ mạnh tay mua mà tụi Phan Thiết đồn rằng mang hàng vô Saigon tới Đồng Khởi, tức mang cho Phương “cận”, là tôi, bán được giá nhứt. Khi đó có ông Ba Vặn ở Xô Viết Nghệ Tĩnh mua nhiều hàng xô nhứt

Trong làng đá có mấy thằng là dân đâu miệt cây số 125, tụi nó từ Phương Lâm vô Saigon ngụ tại khách sạn Thái Bình đường Phạm Ngũ Lão, tụi đó chuyên bán hàng xanh tức Saphia. Nhưng do tụi Miên chuyên mua bán đá đỏ qua Việt Nam cũng tập trung ngụ tại khách sạn Viễn Đông cũng đường Phạm Ngũ Lão nên nhiều thằng là dân Lâm Đồng cũng biết làm đá đỏ, đàn anh Trường “nẫu” là một thằng dân Danang do chơi với tụi Miên lâu nên biết làm cả hàng xanh lẫn hàng đỏ. Lại nói, thằng Oanh chạy tới tiệm tôi chìa ra một viên hàng đỏ nói anh Phương ơi em kẹt tiền bán cho anh viên này 7 vé thôi. Cầm coi thấy nước nhất không nứt bịnh, theo mắt của tôi thì viên hàng này là thiệt, hình khối bành ú đầy đặn thế này thì 3 carat mài xong được 1 viên hình oval 1 carat nước, nhất mang lên tiệm Anh Đào 88 Mạch Thị Bưởi bán cho thằng khách người Thailand 1 ngàn 2, lời 5 vé trong ngày thằng nào chảng ham. Tui lắc đầu nói giá đó thỉ mua giờ nào hỏng được hà cớ chi phải cần mày mang tới. Thằng Oanh nhe răng cười em nói chơi chớ em bán 6 trăm à. Tui vẫn lắc đầu biểu mày hỏng bán thì mang chỗ khác chớ mất thời gian của tao, mày than kẹt và kêu giá vậy thì dẹp mày đi. Thằng bắc kỳ nhà quê nhăn nhở cười nịnh thôi em tính anh bốn vé, vậy ok nha. Tui nói anh hỏng mua đâu, tưởng mày bán rẻ thì tao ráng mua để đó. Cứ có cưa qua lại, khi thằng Oanh chịu bán giá ba vé rưỡi thì tôi cười nói ê Oanh viên hàng này của thằng nào vậy, bữa nay tao mém bị mày rồi, viên hàng này tao coi không ra. Nếu mày cầm giá 5 trăm thì anh xuống tiền rồi, mày gấp quá chịu giá 3 vé rưỡi thì sao anh dám mua? Viên này nếu là đồ ăn cắp thì cũng đâu có giá 3 vé rưỡi hả mày. Thằng Oanh cười hehe xách chiếc Vespa Super cà tàng bỏ đi.

Về vụ phí ngu, ông cố nội trong nghề đồ xưa là anh Phương “chín ngón” (cũng tức là Phương “cụt”, cũng tức là Đông Phương) từng bị Tư “đồ dỏm” múc cho một phát nhớ đời. Hồi đó dân Đồng Khởi chưa biết vụ đồng hồ dỏm mà chỉ bán đồ cũ sửa lại thôi.

Tụi Tàu trong chợ Thiếc mua đồng hồ trái quýt của Liên Xô rồi xài kỹ thuật mạ vàng thiệt mỏng, cho hóa chất ăn chữ tạo tên đồng hồ vân vân. Tại Đồng Khởi có thằng Tư “đồ dỏm” nổi tiếng do từng có tên trong cuốn Guide hướng dẫn du lịch gì đó của ngoại quốc in ra trong đó có phần cảnh báo du khách qua Việt Nam coi chừng mua lầm đồ giả. Bữa nọ thằng Tư “đồ dỏm” lận chiếc đồng hồ trái quýt hiệu Patek Philippe tới bán cho ông chủ lớn. Cách mua đồ của ông Phương “cụt” giới đồ cổ Saigon đâu ai không biết, muốn bán được cho ảnh món đồ, muốn ăn được tiền của ảnh đâu dễ.

Đàn anh Phương “chín ngón”, giới đồ cổ Saigon cỡ anh Sùng, chị Tư “đồ ngà” anh Đức “shop”, anh Hải “voi”, anh Truyền shop Phương Loan, vợ chồng chị Hiền Hạo, anh Cường “cổ” cùng có chung nhận định rằng ở thời điểm những năm đầu thập niên 1990 ông Phương “chín ngón” giàu nhứt Saigon. Riêng về đồ cổ có thể nói rằng những món quý hiếm nhứt đều nằm trong tay ổng. Tại nhà anh Phương số 149 Đồng Khởi và số 35 Mạc Thị Bưởi phuongngugia tôi tận mắt coi mấy mòn đồ thuộc thứ cực hiếm như ấn ngọc của vợ vua, cây đèn Galet đường kính 30 cm, bức mành mành hổ phách bề ngang 5 m, bề cao 4 m, chiếc ly ngự dụng bằng sừng tê giác, cùng vô số đồ ngọc ngà khác.

Dân đồ cổ có thằng nào dám tới ông chủ Đông Phương để múa rìu trước cửa Lỗ Ban. Bởi vậy kể cả ngủ mơ đàn anh Phương “cụt” cũng đâu thể ngờ thằng em trong làng mang món hàng độc đáo ”vừa may mắn lùng mua được” tới chào bán lại là của giả 100% do mấy thằng ba Tàu trong chợ Thiếc sản xuất.

Chắc bị tổ trác che mắt, hay do thằng làm cái đồng hồ quá giỏi, có khi do cả hai mà ông anh Đông Phương bị chú em Tư “đồ dỏm” chơi cho một phát đau điếng. Chuyện xảy ra khi nào đâu ai biết. Cây kim trong bọc lòi ra, bí mật bị bật mí, nghe kể rằng Tư “đồ dỏm” trong một cơn say đắc ý khoe khoang tao đã múc cha Phương “cụt” một cú, tao bán chiếc đồng hồ trái quýt Patek Philippe cho chả 3 ngàn, rứa là bữa sau cả làng biết tin động trời.

Cũng vẫn là vụ phí ngu, anh Hải “già” mà nay là nhân vật tôi nghe nói từng có thời thống soái trong làng hột xoàn Saigon, hồi ảnh mới vô nghề đá quý từng bị đám Trường “nẫu”, Hiệp “mập” và mấy thằng nào nữa tôi không để ý nên nay đã quên, tụi nó múc cho ảnh một viên hàng đâu là 7 giấy lớn thứ 100 đôn.

Bữa nọ, buổi sáng tôi ra cửa hàng, đang ngồi uống café thì anh Hải “già” chạy tới nói anh Phương ơi tôi mới mua viên này anh coi được không. Cầm lên coi thấy viên hàng đầu nước hai, hình khối đẹp nghĩa là bánh ú, đưa lên ánh sáng thì trong veo không nứt bịnh, nghĩa là hoàn hảo, Nhìn bằng mắt ước khoảng sáu, bảy carat. Tôi hỏi anh Hải mua nhiêu ảnh nói 7 trăm. Nghe rồi tôi hoảng hồn lấy kiếng lúp coi kỹ lại, mọi yếu tố là khúc xạ ánh sáng, hình khối, góc cạnh đều đủ để kết luận viên đá là hàng thiệt. Tuy nhiên tôi phát hiện lớp da bên ngoài in là muốn tróc. Coi thiệt kỹ lớp da xong tôi kêu anh Hải “già” hãy kiếm miếng bông gòn nhúng vô xăng Toluen tức xăng thơm, hay Axton là thứ rửa móng tay mà chùi viên đá coi thử vì tôi nghi có thể viên đá bị nhuộm màu. Ông Hải “già” tái mặt cầm kiếng lúp coi một chặp rồi cãi rằng không phải nhuộm đâu anh Phương ơi. Chặp sau anh em ra ngoài ngồi quán café con Vân chợt anh Thân “đen” (nay nó là chủ Công ty Cổ phần Sao Ngọc chuyên làm tranh đá quý trụ sở chính tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Quốc Thảo), lại nói nhìn thấy Thân “đen” vừa ở đâu tới, tôi lấy viên hàng của anh Hải “già” giơ lên nói anh Thân ơi em kẹt tiền bán cho anh viên này 6 ngàn, 7 carat cuối nước nhất, hoàn hảo, vô coi rồi xuống tiền lẹ không thôi em đổi ý bi giờ. Thân “đen” nhìn viên hàng trên tay tôi lắc đầu nói anh đéo mua, viên đó mà như mày nói nếu là háng thật bán rẻ cũng 2 chục ngàn mà mày chỉ bán 6 ngàn thì không coi cũng biết là hàng giả. Anh Thân vô kéo ghế ngồi cầm coi viên đá, chặp sau mở bóp móc kiếng lúp ra coi tới coi lui rồi nói ê Phương viên này là hàng nhuộm à? Hàng của ai vậy? Giờ anh Hải “già” mới chịu nói ảnh mua của đám Trường “nẫu”, Hiệp “mập”, Lộc “lùn”… rồi đứng dậy đòi mang trả viên đá vì Trường “nẫu” cam kết là hàng thiệt. Tôi cản lại nói giờ anh trả tụi nó đâu được, đây đúng là hàng thiệt chớ đâu phải giả. Là anh coi rồi đồng ý mua mà. Theo em thì anh hãy im lặng rồi tìm thằng khác mà múc chớ anh la làng ai cũng biết viên này của anh là hàng nhuộm thì anh bán cho ai được nữa.

Nghe nói anh Hải “già” đi kiếm Trường “nẫu” bỏ nhỏ xin trả hàng chịu lỗ mà không được. Khi gặp đám Trường “nẫu” và Hiệp “mập, tôi biểu bác Cả rằng anh chơi anh Hải chi vậy, tội nghiệp ảnh. Trường “nẫu” tỉnh rụi nói hàng của đứa em ngoài bãi mang vô gởi anh bán, nó lấy tiền đi ra bãi rồi, anh cũng ái ngại cho anh Hải lắm nhưng làm sao trả. Hiệp “mập “cười ha hả biểu Phương ơi mày dắt thằng cha Hải vào nghề tới bây giờ nó mới đóng học phí.

Rốt cuộc anh Hải nhuộm lại rồi bán cho thằng khách du lịch người Thailand tại tiệm Anh Đào số 88 Mạc Thị Bưởi của thằng Phúc pê-đê với giá 1 ngàn 2. Sau đó anh Hải “già” mua sách về nhà tự học mà trở thành chuyên gia thượng thặng nhất về coi đá quý trong làng đá Saigon.

Anh Hải “già” là do tôi dẫn dắt vô nghề đá quý nên mặc dù tôi nhỏ hơn ảnh hơn chục tuổi, lại đã từ lâu lắm 1995 tới nay anh em không có dịp gặp, năm rồi 2010 tôi có việc gọi điện, ảnh đối với tôi vẫn rất trọng thị.
Print
 
Lên đầu trang