Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Anh hùng nãn quá mỹ nhân quan

Nhớ, hồi 1990 tôi còn đang làm nghề chụp hình thâu băng tại ki-ốt số 55 Nguyễn Huệ, qua sự giới thiệu của anh Quỳnh tôi quen biết với em trai của ảnh là anh Hải có cửa hàng bán bàn ghế giả cổ tại 58 Đồng Khởi q.1, cùng dịp đó tôi quen luôn cả anh Sùng, khi đó đàn anh chưa nổi tiếng lừng lẫy trong giới đồ cổ khắp nam bắc mà vẫn còn là thằng chạy cò hàng ngày lượn chiếc cub cánh én đi các tỉnh lùng mua đồ xưa, anh Sùng khi đó được anh Hải cho gởi đồ cổ tại cửa hàng lại ưu ái cho trực tiếp đứng bán đồ của mình cho tụi khách tây, nói là ưu ái cho đẹp lòng nhau chớ thiệt ra ông Hải có tánh sĩ diện hão, còn ngu ngốc khi dễ mấy thằng bán đồ cổ là thứ nghèo rách cộng thêm ông Sùng khôn ngoan biết thu mình lại, bình thường anh Sùng ăn nói với anh Hải thiệt nhún nhường rõ ra giữ bổn phận kẻ dưới.

Anh Quỳnh kết thúc chuyến công tác Saigon, trước khi về Hanoi anh Quỳnh ra Nguyễn Huệ rủ tui qua Đồng Khởi chơi sẵn để ảnh chào chú em trai, nhân dịp đó anh Sùng lấy lòng anh Hải bằng cách hai tay cầm 2 triệu kính biếu anh Quỳnh miệng giả lả: “Em vừa bán bộ lư ngọc lời được 14 cây, em xin gửi chút quà cho các cháu”. Nói nào ngay, thời điểm đó giới đồ cổ cả nước biết ông Sùng vừa bán bộ lư ngọc mua được ở Đà Lạt kiếm lời bộn. Vậy mới có vụ thằng Thái Bình bóp bụng móc hầu bao.

Sau khi anh Hải gom tiền trở ra Hà Nội kinh doanh khách sạn thì anh Sùng, nhờ sự góp công của anh Thủy “bọ”, đã mau mắn thế chỗ thuê cửa hàng rồi bày ra bán đồ cổ mà dân trong nghề kêu bằng đồ xưa, lại bày cả bàn ghế giả cổ mà bán, hồi đó ai đi qua đều phải công nhận dòm cửa hàng 58 Đồng Khởi khí thế nhứt Saigon. Ông Sùng ăn đứt ông Hải khoản đầu óc kiếm tiền. Tui nhận định vậy.

Nhớ, tối nào cũng vậy, để bà xã ngồi coi tiệm, tôi xách xe qua cửa hàng anh Sùng ngồi chơi. Khi đó nhân viên về hết chỉ còn hai anh em ngồi uống bia ăn chả lụa, thêm đĩa hạt điều rang muối, nói đủ thứ trên đời, anh Sùng còn kể chuyện lăn lộn kiếm cơm của ảnh. 10 bữa như chục, ngày nào cũng có một thằng khách ngoại quốc vô coi rồi hỏi mua đồng hồ trái quýt hiệu Pateck Philippe. Rứa là một thằng mắt xanh giao tiếp với hai thằng da vàng theo lối phổ thông quốc tế là nói tiếng… tay, tức tay ra dấu còn miệng thì tiếng ai nấy nói vậy hỏng bên nào hiểu bên nào ông Sùng chìa bộ mặt đưa đám tay quơ búa xua miệng trệu trạo ông trả thêm đi, tôi bán rẻ lấy tiền đóng thuế. Cứ thế mà thằng mũi lõ gốc gác xứ sở văn minh bị hai thằng mũi tẹt vùng lãnh thổ lạc hậu cho vô xiếc. Ông Sùng mặt ngơ ngơ mũi cố tình hểnh lên tạo vẻ mặt ngu đần, miệng há ra cho hợp vẻ mặt ấm ức như bị thằng khách ép giá. Coi, bản mặt láu cá của đàn anh gốc dân Thái Bình đang ráng tỏ bộ làm như muốn bán cái đồng hồ dỏm giá 1 ngàn 2 trăm đôn lắm nhưng chưa đủ vốn, cò cưa qua lại một chặp mà thằng khách cứ nhứt định trả giá 3 trăm (thời đó 1 đôn xanh ăn khoảng hơn 6 ngàn hay hơn 7 ngàn tiền mình gì đó). Hết vị, đàn anh trình diễn điệu bộ miễn cưỡng gật đầu đồng ý bán. Chờ thằng khách cầm đồng hồ rồi tôi mới kêu nó và lấy lại, lập tức anh Sùng một tay đoạt chiếc đồng hồ từ tay tôi, tay kia vỗ vai tôi như muốn nói: “Thôi kệ bán đại cho ông ta” rồi đưa đồng hồ cho thằng khách, tôi không chịu và ra dấu đòi lại cái đồng hồ, rồi quay nhìn anh Sùng nói nô bai nô bai, vé ri chíp, tôi bỏ đồng hồ vô tủ kéo cửa kiếng lại. Tôi ráng làm bộ khiến thằng khách hiểu rằng tôi đang nói với anh Sùng tôi không đồng ý bán vì ông khách trả rẻ quá không thể bán… vậy chứ thiệt sự nó hiểu sao bố ai mà biết.

Cứ như rứa, hai đứa tôi thằng tung thằng hứng qua lại, tới khi ông tây vừa nhận lại cái đồng hồ từ anh Sùng thì lật đật bỏ vô túi tay móc bóp rất lẹ đếm ra 3 tờ giấy lớn trao ảnh rồi quay lại chỉ tôi cười miệng nói dzu nô gút, lại chỉ anh Sùng nói dzu gút. Ông anh đưa 2 tay đón bàn tay thằng khách chìa ra mà lắc lắc tình thương mến thương, miệng tía lia thánh kiù si dzu ờ gen rồi cười hà hà đắc ý vì vừa lại bóp cổ thêm một con gà mờ.

Ông Sùng nổi danh nhờ mạnh tay mua bạo bán lớn, bà con có cửa hàng đồ cổ tại Saigon và Hanoi, luôn cả đám cò lái bắc nam thường tập trung ở đường Lê Công Kiều khi nói tới tên ổng đều le lưỡi lắc đầu thán phục. Ai đời đàn anh từng bị trúng thuốc độc tức mua nhằm đồ giả của thiên hạ quá trời vậy nhưng không chết mà món nào cũng bán cho tụi tây có lời nhiều. Riêng tui từ thực tế bán hàng cùng anh Sùng tôi biết rõ lý do là trong khi bán hàng, ông Sùng luôn tạo ra nhiều tình huống tưởng ngẫu nhiên nhằm tạo ra áp lực tâm lý cho khách mục đích để triêt tiêu sự cảnh giác của người ta. Hồi đó đám khách ngoại quốc tới Việt Nam mua đồ cổ luôn nặng tâm lý rằng đám nhà giàu khi chạy khỏi Việt Nam hồib 1975 đã không kịp mang theo các thứ đồ cổ tốt, lại ham của rẻ nên mắc me vướng cựa là điều dễ hiểu.

Chiếc Meccedess 220 màu xanh đời trước 75 anh Sùng có được là do đổi một cây đèn dầu chóa da hổ, thêm mớ đồng hồ là thứ đồ cổ dỏm, cho thằng Nop sĩ quan tùy viên quân sự Campuchia, vài bữa sau nó biết là của giả nó tới xin trả lại chịu lỗ tiền, thằng Trung tá tùy viên quân sự lãnh sự quán Campuchia ngu như… Miên. Có ai bán hàng giả mà chịu nhận cho trả lại, hóa ra thừa nhận biết đồ giả vẫn bán à? Tức quá, thằng Miên quăng cục lơ không thèm làm giấy tờ xe cho ảnh. Rứa là chiếc xe bảng số Miên giấy tờ “zun” qua mấy bữa sau đeo bảng đỏ quân đội, dân Đồng Khởi choáng khi thấy ông chủ lớn mập mạp chễm chệ băng ghế sau, cầm lái là thằng thiếu úy thứ thiệt mang quân phục đeo lon rõ oai vệ.

Thằng khách người Đài Loan cầm chiếc kiếng lúp coi thiệt kỹ chiếc ấn nhỏ bằng ngà chạm hình con phượng được giới thiệu là ấn của Hoàng hậu mà do chủ tiệm hỏng biết chữ tàu nên không biết mặt ấn khắc chữ chi, coi đã đời rồi nó bỏ đi. Bữa sau cũng thằng đó quay lại đòi coi chiếc ấn đó, lại bổn cũ là săm soi lật tới lật lui rồi chấm mực triện thử lên giấy. Rốt cuộc thằng khách móc 7 vé ra trả tền rồi nhét chiếc ấn nhỏ được gói kỹ vô cặp táp rồi hoan hỉ ra về. Ông Sùng cười hà hà vui vẻ vì lại vừa bóp cổ thêm một con gà và kêu con Thư lấy chiếc ấn khác in hệt cái vừa bán bày vô tủ kiếng. Chiếc ấn ngà thiệt ra được đám thợ ngà làm bằng xương cá voi, mà xương cá thì bị lỗ nhỏ đều khắp rất dễ nhận biết, ông Sùng sai lính là thằng Trì lấy xi-ra đánh giày màu đỏ của Liên Xô thoa đều lên chiếc ấn để bít lỗ, sau đó đốt vải hun khói cho chiếc ấn biến màu tới khi dòm giống ngà voi lâu năm ngả màu vàng nâu vậy.

Nói thêm, đồ giả mà còn bán vậy nói chi tới đồ thiệt. Ở Đồng Khởi nếu là đồ thiệt thì bán mắc nhứt là ông Phương “chín ngón”, kế đến là ông Hải “voi”, thứ ba là ông Sùng. Bán rẻ nhứt là thằng tui, cửa hàng không chỗ để nên tui bán rất lẹ, thường thì đám lái người Campuchia căn chừng tui mua hàng về là tập trung để trả giá, tui mua dễ bán dễ, món nào lời từ một cây trở lên là tui gật đầu bán liền, luôn đám anh em các cửa hàng ở Đồng Khởi thằng nào trả giá đúng ý là tui bán luôn khỏi cần chờ khách. Thứ hàng bằng đá Italy là tượng, đôn tui bán khiến mấy đàn anh mong “Thằng Phương bán rẻ kệ mẹ nó, khi nó hết đồ thì mình “làm việc”, mà tui có bán hoài, riết mấy chả bực lắm. Ông Phương “chín ngón” chạy chiếc Môtô Harley 1 ngàn 2 trăm phân khồi bự tổ cha tới nhè đậu sát trước cửa rồi vô chơi, ông anh cầm món này món nọ ngắm nghía rồi giả điên: “Cái này là thiệt hay giả đó chú em”, tui nhăn nhó anh ơi anh đậu xe che hết cửa hàng em rồi, anh là bậc thầy mà giả bộ chi tội nghiệp em, giả thiệt thì em khôg biết mà món nào anh rờ tới là món đó em kêu mắc lắm đó anh.

Nhớ, khi đó cửa hàng anh Sùng lúc nào cũng có bạn hay bạn của bạn ảnh, trong đó gồm có cả các loại quan chức ghé chơi.

Ông Sùng, thời đó ai là dân sinh sống ở vùng Thị Nghè đều nghe đồn là giàu nứt đố đổ vách, sáng sáng dân chúng trong chợ Thị Nghè nhất loạt quay nhìn rồi kẻ mua người bán cùng chụm đầu xì xầm chỉ trỏ khi bà Hạnh đủng đỉnh thả bộ vô chợ Thị Nghè, theo sau là con sen xách cái giỏ bự.

Rứa mà sau khi từ miệt quê trở về Saigon kiếm cơm vào đầu tháng 5 năm 2001, tôi nghe thằng Tý lính cũ của anh Sùng kể khi cửa hàng 58 Đồng Khởi bị giải tỏa, đàn anh dời qua số 89 Mạc Thị Bưởi rồi bị con Thư (mặt thiệt xấu mà hông thiệt bự) là nhân viên nhà nước bỏ việc, (theo bán hàng cho ông chủ ham chơi bậy), nó bỏ chồng rồi dụ đẻ cho ảnh đứa con, ông chủ say tình giao quyền quản lý cửa hàng cho con vợ hờ. ”Ông Sùng bị đòi nợ cần tiền lắm, có món ổng phải bán lỗ để lấy tiền trả nợ. Khách tới mua hàng, có món khách trả 20 ngàn, trả giá xong rồi mà con Thư biểu phải hỏi chủ, nó xin các vi dzít rồi hẹn để hỏi ý chủ rồi sẽ gọi điện. Ông Sùng tới cửa hàng nó nói với ổng người ta trả giá 7 ngàn, ông Sùng chịu bán, khi ổng đi nó mới gọi khách tới bán hàng. Em hỏi anh, vậy mà ổng không chịu nghe lời tụi em, ổng chết là đáng.”, thằng Tý nói với vẻ ấm ức ông thầy mê chơi đáo lỗ. Nghe kể chỉ vài ba năm đàn anh bể nợ dẹp tiệm, một mớ căn nhà bị bá tánh xiết nợ, con Thư ôm con về đoàn tụ với chồng cũ.

Cùng thằng Út vô ngồi café Dinh, tình cờ tôi thấy anh Sùng cùng đệ tử lu bu o bế mớ cây kiểng bày bán cửa sau dinh Độc Lập, đàn anh biểu chú nhớ ghé nhà anh chơi, lâu ngày anh em hàn huyên nhá. Tôi qua chơi thăm anh Bảy T nơi Bảo tàng Mỹ thuật tình cờ gặp anh Sùng từ cửa hàng nơi Lê Công Kiều qua chơi, anh Sùng biểu tôi sao chú không ghé anh chơi? Bữa đó tôi sẽ ghé thăm nhà ông anh nơi Thị Nghè sẵn tính hỏi sự tình, chưa kịp hỏi chuyện thì ông anh đã vô tình giơ khoe con cọp ước lượng cũng vài ba ký đúc bằng vàng y cho thằng Út coi, kiểu như muốn khoe rằng anh đây vưỡn mạnh giỏi (tui cùng tuổi cọp với anh Sùng và kém ảnh 1 giáp), dòm bộ dạng đàn anh khi đó tui thầm nghĩ chuyện thằng Tý kể là có thiệt rồi.

”Anh hùng nãn quá ải mỹ nhân”, thiên hạ vô địch như Lã Bố cũng chẳng thoát khỏi lưới tình của người đẹp Điêu Thuyền giăng sẵn. Ngay cả Ngô vương Phù Sai cũng bị say đắm nụ cười của nàng Tây Thi, vụ này in là anh Sùng tui mắc vô “Mỹ nhơn kế” của con ô sin. Dám đàn anh bị vợ chồng thằng Đậu chơi cho một cú đỡ không được?

Mặc dù anh Sùng luôn miệng rằng ảnh bị thằng Vũ Xuân Trường (Trưởng phòng Chống buôn lậu 1 của Hải quan tp/HCM bị tử hình trong vụ Tân Trường Sanh) chơi tới nỗi banh hết tài sản, luôn cả bà Hạnh cũng ca thán in vậy.

Bằng vào quan hệ anh em, mặc dù sau đã va chạm như đã nói trong bài ”Cặp đôn tượng bằng đá Italy” và mất đi quan hệ hữu hảo do đàn anh không thèm coi tôi là thằng em út thân tình, với hiểu biết của tôi về con người của ảnh, bằng phân tích của mình, tôi cho rằng anh Sùng “chết” là do mê chơi số đề chớ đám hải quan tịch thâu của ảnh hai xe đồ thì tôi cá phân nửa là đồ mới bùa giả cổ, một phần ba là đồ hư bể sửa lại, còn bao nhiêu toàn hàng xí muội cóc ổi chớ cái kiểu đi mua hàng của anh Sùng thì mua thế quái nào được đồ tốt. Bằng vào tính tình của ông Sùng thì làm chó gì có thằng cò lái nào cho dù kiếm được món hàng thứ tuyệt phẩm mà chịu mang bán cho đàn anh? Phần con Thư thì nó ăn sao cho hết hàng chục căn nhà, đất của ổng được.

Cùng chủ đề::
- Chuyện mười chín năm trước
- Cửa hàng bán đồ cổ
- Ông già cắt kiếng ở Gò Vấp
- Cặp đôn tượng bằng đá Italy
- Nhà thờ Búng
- Đồ cổ
- Chiếc đồng hồ nhà thờ Hoàng Mai
- Chiếc đồng hồ nhà thờ chánh tòa phú cường
- Cây đèn chín ngọn
Print
 
Lên đầu trang