Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Không ổn tí nào

Ông già tôi (áo đen) chụp tại Cao Bằng

Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa là phiên tòa phúc thẩm xử vụ án 2 bao cao su nhãn hiệu "One Number"(?) nổi tiếng sẽ bắt đầu. Sau phần tranh luận tại tòa thì những ai quan tâm sẽ đoán biết được kết cục mà không cần phải chờ tòa nghị án. Trong khi đợi theo dõi qua trang Dân làm báo, phuongngugia tôi rảnh rỗi lan man vài dòng.

Ông già tôi từng với tư cách Bí thư đảng ủy cơ quan Ban Tuyên huấn TW phê bình hai vợ chồng tay tổ Tố Hữu vì khuyết điểm “hay quên” đưa tiền chợ cho đồng chí cần vụ khiến đồng chí ấy mặc dù có lãnh lương đều nhưng vẫn không tiền gửi về cho vợ con nơi quê nhà Thanh Hóa nên ít lâu sau ông già tôi nhận quyết định công tác biệt phái tỉnh Cao Bằng cho tới khi được gọi về nhận công tác cải cách ruộng đất. Vụ cải cách ruộng đất tôi từng hỏi hai lần mà cả hai lần ông già tôi đều nói qua chuyện khác, ổng chỉ nói khi đó công tác ở Ninh Bình (thời đó một số cán bộ người miền nam tập kết ra bắc được chọn lựa phân công phụ trách các đội cải cách). Hỏi bà già thì bà già tôi kể khi bà già tôi bị quy kết (chưa đấu tố) là đảng viên Quốc Dân đảng thì ông già tôi kịp thời xin chuyển về Ban kiểm tra cải cách thành phố Hà Nội rồi ngày nào cũng tranh thủ đạp xe đạp về làng Thanh Trì ăn bánh cuốn (chắc là để bảo vệ người yêu khỏi bị các đồng chí của mình mời xơi món dao phay).

Sau giai đoạn cải cách, do ông Tố Hữu thù ghét cá nhân mà ông già tôi bị đạp từ Ban Tuyên huấn TW qua Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TW ngồi cạo giấy. Cũng do ông già tui từng có thời lính lác tại VP Tiểu ban giáo dục thuộc Ban Tuyên giáo TW do ông Hà Huy Giáp làm Trưởng Ban. Năm 1965 ông sếp Hà Huy Giáp đang nắm trọn quyền Bộ Văn hóa, dòm thấy thằng em cũ thê thảm quá nên tội nghiệp mà can thiệp để ông già tôi về Bộ Văn hóa rồi bố trí làm thư ký riêng. Sau một thời gian thì trên bố trí ông già tôi đi làm công tác ngoại giao nước ngoài, cũng vì bà già tôi bế con nhỏ lên kêu khóc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ông già tôi được ở lại. Về công tác đảng do từng là Bí thư đảng đoàn Ban Tuyên huấn TW nên khi qua cơ quan mới ông già tui trúng Bí thư đảng đoàn cơ quan Bộ Văn hóa. Trải quá trình cùng các vị trí công tác khác nhau từ khi ra miền bắc mà chuyện của thầy chú ông già tui được biết khá nhiều.

Thời còn ở Hà Nội ông già tôi, tức Nguyễn Chính, công tác đảng là bí thư đảng đoàn Bộ Văn hóa, về chánh quyền là Trưởng phòng hành chánh của Bộ Văn hóa kiêm Trưởng phòng B tức phòng Nghiên cứu Văn hóa Văn nghệ miền nam cùng bố trí các cán bộ Văn hóa đi B, luôn cả việc điều động các đoàn văn công đi phục vụ mặt trận. Thời gian ông già tôi công tác tại Phòng B, phòng này nhân sự rất ít chỉ gồm ông già tôi, bác Phan Hòa, bác Đặng Hiệp, bác Phạm Tường Hạnh, cô Hồng Vân, cô Băng (vợ ông nhạc sĩ tóc dài Văn Cao khi ca cái miệng méo xẹo). Bác Bảo Định Giang trước khi trở về chiến trường B2 ngày nào cũng tói Phòng B làm việc. Ông già tôi còn thường tới môt căn biệt thự có lính gác gần Cửa Nam làm việc với bác Lưu Hữu Phước mập lùn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Khi Phòng B giải thể thì ông già tôi trở về chức danh chuyên viên Văn phòng Bộ chờ phân công, tiếp đó được cữ giữ chức Phó Văn Phòng rồi ngày 19/5/1975 dẫn đầu đoàn công tác vào tp Sài Gòn tiếp quản.


Trước Hiệp định Paris năm 1973 nhà tôi lúc đó là một căn phòng nhỏ trong khuôn viên số 51 - 53 Ngô Quyền, Hà Nội tức trụ sở Bộ Văn hóa, cạnh đó là căn phòng cơ quan cấp cho bác Nông Quốc Chấn khi đó còn là Vụ trưởng Vụ Văn hóa quần chúng. Sau khi chuyển về cư ngụ trong Khu tập thể Kim Liên thì nhà tôi là một căn phòng tại khu C (nhà C11) còn gia đình bác Nông Quốc Chấn là tiêu chuẩn Thứ trưởng được cấp nguyên dãy 4 căn tại khu B (nhà B15) sau lưng chợ Kim Liên cách nhà tôi chừng vài trăm mét.

Theo trí nhớ của tôi thì Bộ Văn hóa giai đoạn 1970 - 1975 có tới mấy ông Thứ trưởng, bác Hà Huy Giáp (sau này khi lớn tôi mới biết bác Giáp còn là Ủy viên TW đảng Lao động Việt Nam kiêm thứ trưởng, hèn chi đi chiếc xe Vôn ga cải tiến màu đen mới toanh đẹp hơn cả xe Vôn ga đời cũ màu xanh lá cây của Bộ trưởng), khi đó Bộ trưởng là bác Hoàng Minh Giám (nhân sĩ, thuộc đảng Xã hội). Bác Nguyễn Đức Quỳ phụ trách mảng Văn hóa quần chúng. Bác Mai Vy phụ trách tổ chức (bác Mai Vy gần đây tham gia ký tên vô bản kiến nghị gì đó). Bác Hà Xuân Trường là Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Cục điện ảnh. Bác Nông Quốc Chấn sau lên Thứ trưởng phụ trách mảng Văn hóa quần chúng thay bác Nguyễn Đức Quỳ về hưu. Còn bác Cù Huy Cận là Thứ trưởng phụ trách mảng nghệ thuật biểu diễn.

Nói thêm những gì phuongngugia tui còn nhớ về ông cố Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Cù Huy Cận, theo lời ông già tui thì khi thành lập chính phủ lâm thời, nhà thơ Việt Minh Cù Huy Cận do đã tốt nghiệp kỹ sư canh nông nên được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông. Sau Hiệp định Geneve khi Việt Minh tiếp quản miền bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra rồi bố trí nhân sự thì a lê xin mời đồng chí nhà thơ về làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa đúng ngành nghề chuyên môn tha hồ mà sáng tác. (Ông già tôi với cương vị Bí thư đảng đoàn đảng ủy cơ quan Bộ Văn hóa nên nắm rõ lý lịch của các đảng viên trong đảng ủy Bộ VH).

Cuối năm 1979, được sự chấp thuận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu, ông già tui rời chức vụ ở Bộ Văn hóa - Thông tin về quê và được bạn cũ đang nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé là Đỗ Văn Nguyện bố trí làm Phó Ty Văn hóa -Thông tin (ngày xưa các ông Phạm văn Hy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bariavungtau. Đỗ Văn Nguyện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục cao su Việt Nam. Nguyễn Chính, nguyên phó Văn phòng Bộ Văn hóa đã có thời cùng là lính lác với nhau tại văn phòng tỉnh Thủ Biên trong chiến khu D trước trận lụt năm 1952). Từ 1979 -1982 Thứ trưởng Cù Huy Cận chuyến công tác nào vô miền Nam cũng tranh thủ về Sông Bé chơi thăm thằng em cũ. Vẫn giọng nói oang oang, cười khè khè khen miền Nam có trái sầu riêng rất ngon.

Nay nghe bà con la rùm trời nâng ông Cù Huy Cận lên bậc công thần khai quốc nên tôi chỉ là nói những gì đã nghe, đúng sai không biết mà theo lời ông già tôi thì công thần khai sinh ra Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ gồm những cán bộ Việt Minh đã trực tiếp lãnh đạo quần chúng nhân dân cướp chính quyền hồi 1945 từ tay quân Nhật gồm các đảng viên kề vai sát cánh với chủ tịch Hồ Chí Minh là các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Lương Bằng, ngoài ra còn có các Bí thư Khu ủy, Bí thư Xứ ủy, Bí thư Tỉnh ủy trở lên tạo được uy tín lừng lẫy với đồng bào nơi công tác có thể kể là các ông Lê Duẩn, Trần Văn Giàu, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Hà Huy Giáp, Nguyễn Chí Thanh…

Còn một người là bác Đào Duy Kỳ người miền bắc, năm 1977 tại nhà tôi số 22 Nguyễn Trãi q.1 anh em tôi từng ngồi nghe bác Đào Duy Kỳ, là chồng của cô Ngọc Anh là Cục trưởng Cục điện ảnh khi đó, kể rằng (đúng sai không thể kiểm chứng) thời ổng là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ thì phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát là chú văn thư sai vặt trong văn phòng. Bác Đào Duy Kỳ nói ổng đã công khai tỏ ra không phục lãnh tụ Hồ Chí Minh, cũng do câu phát biểu “HCM là ai mà bla… bla” của ổng mà sự nghiệp chính trị đang lừng lẫy lập tức nắng chiều).

Khi quân Tàu của Tưởng Giới Thạch thuộc phe Đồng Minh kéo qua nước mình để giải giáp quân Nhật thì Quốc Dân đảng cũng nhờ đó mà trỗi dậy nhảy ra kể công xí phần. Năm 1946 do có mấy ông lớn Mỹ, Nga và Anh đang khoanh dõi mắt nhìn nên việc bầu cử quốc hội đã thực hiện dân chủ nên các đảng phái cứ việc tự do đưa người của mình ra tham gia ứng cử nghị viên theo đúng thể chế dân chủ Âu - Mỹ. Kết quả là Việt Minh buộc phải chia quyền lực cho các đảng phái khác bla… bla.

Còn một người đã từng giữ một trong những vị trí quan trọng bộ máy tuyên truyền chính trị của chính quyền Hà Nội là ông Bùi Tín, hẳn là với chức vụ Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân ông Bùi Tín có điều kiện để nắm khá rõ thân thế của nhiều nhân vật quan trọng của chế độ. Hãy hỏi ông ấy.

Còn một cựu quan chức cỡ trung cao từng có nhiều nhận định quan trọng rất đáng chú ý là ông Lê Hồng Hà cựu Chánh văn phòng Bộ Công an. Sao không hỏi ông ấy.

Dám chắc chưa bao giờ Cù tiến sĩ có thời gian 2 năm trời chỉ hai cha con sống cùng nhau rồi được nghe cha mình kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của ổng cùng nói những suy nghĩ của ổng về bản chất cùng sự thoái hóa biến chất của chế độ. Cán bộ cỡ bác Cù Huy Cận làm sao mà không hiểu rõ bản chất của đảng quang vinh? Tôi cho rằng ổng im lặng để dành đường hoạn lộ cho con cái sau này thế nhưng anh Cù đã không đáp lại được kỳ vọng của cha mình trên đường công danh. Tôi tự tay nhặt tấm thẻ đảng mà ông già liệng vô sọt rác mang vô cất (vì vậy mà khi anh hai tôi kết nạp đảng, việc xác minh lý lịch phần liên quan tới lý lịch đảng viên của ông già tôi gặp nhiều khó khăn bởi lẽ ông già tôi tự ý bỏ đảng mà không đăng ký sinh hoạt ở bất kỳ chi bộ nào), tôi từng suy nghĩ sao bác Cù Huy Cận khi đã già mà chưa chịu quăng bỏ thẻ đảng giống như đồng liêu cùng thời là nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Trần Độ (khi đã già), như cấp dưới cùng thời là nguyên phó Văn phòng Bộ Văn hóa Nguyễn Chính (xin về hưu trước tuổi)? Rồi tôi tự trả lời là trước đây do tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình những người bất đồng nói chung và các bồ bịch thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm nói riêng bị “đánh” tơi bời hoa lá bla… bla nên ổng sợ. Vây đó.

Xin hỏi, liệu có thể nào tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sẽ được giảm án do tòa án tối cao sau khi xem xét rồi hủy bỏ một phần cáo trạng của tòa án Hà Nội trong phiên xử sơ thẩm do vi phạm trình tự thủ tục tố tụng?

Xin hỏi, liệu có thể nào tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sẽ được giảm án do áp lực của sự phản đối của các tổ chức nhân quyền và môi trường gì gì đó mà các tổ chức đó không phải là đại diện chính thức của bất kỳ chủ thể nào trong nhóm các đối tác phát triển của Việt Nam, bao gồm Hoa kỳ, Liên minh Châu Âu, Úc, Ca-na-đa và Nhật Bản?

Xin hỏi, liệu có thể nào tại phiên xử phúc thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, phần tranh luận công tố viên đuối lý hoàn toàn dẫn đến việc bắt buộc Tòa án phải tuyên trắng án đối với bị cáo?

Xin hỏi lại câu này, liệu có thể nào ngay sau phiên xử phúc thẩm mình mà tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cùng bà xã tươi cười tay trong tay dung dăng dung dẻ đi về nhà trong sự tung hô cuồng nhiệt của hàng ngàn fan hâm mộ?

Hẳn thời gia qua mít tờ Cù Huy Hà Vũ đã đủ thời gian suy nghĩ nhận định rằng sau hơn 2 ngàn 5 trăm ngày nữa sẽ chẳng còn mấy ai nhớ đến mình ngoại trừ những người thân. Mít tờ Cù Huy Hà Vũ xác định bản thân đã lọt vô thế không còn gì để mất nên quyết định sử dụng chiêu “lưỡng bại câu thương” cố tình lưu danh “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng” vậy nên mới có những lời lẽ đao to búa lớn như trong “Thư cảm ơn đồng bào” lưu truyền trên mạng in tờ nét.

phuongngugia tôi thấy rất không ổn khi đọc “Thư cảm ơn đồng bào” được cho là của ông Cù tiến sĩ đăng trên các trang mạng thuộc lề trái. Nghe như một lời trăn trối. Về sử dụng câu chữ ngôn từ tôi cho rằng có vấn đề nặng dẫn đến tác dụng ngược với ý đồ của người viết, trong thư ông Cù tiến sĩ tự xưng mình là đứa con của đồng bào khiến người đọc liên tưởng tới đám đào kép cải lương đang trên sân khấu trình diễn mục đích để gọi là “lấy nước mắt khán giả”. Trước đây thằng ca sĩ khùng Ngọc Sơn trong một lần trình diễn mà truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu có phát hình nó trình diễn bản mặt giả vờ khồn khổ miệng mếu máo “Xin bà con thương yêu Ngọc Sơn như con cháu anh em ruột thịt trong nhà”, nhìn điệu bộ thằng khốn khi đó tởm hết chỗ nói.

Tôi phục ông tiến sĩ họ Cù đã dám làm những việc mà tôi không dám làm, thế nhưng bức thư đăng trên mạng được cho là của bà vợ ông ta nhân danh chồng mà viết ra quả thật có chỗ khó ngửi quá: “Một lần nữa Cù Huy Hà Vũ xin cúi lạy đồng bào và nhắc lại lời cảm ơn thống thiết của đứa con xin hẹn ngày gặp lại…” (). Xem nào, không phải hát xẩm, cũng không phải hề chèo, càng chẳng giống hát ả đào mà là y hệt kiểu cách trình diễn của thằng MC Nguyễn Ngọc Ngạn trong băng video ca nhạc hải ngoại Thúy Nga. Đóng kịch dở quá, vụng về quá, khẳng định người mà sinh rồi lớn lên và đang sống ở môi trường miền bắc trong chế độ hà khắc không bao giờ thở ra giọng điệu sặc mùi cải lương ba xu đó được. Và người đọc càng không phải là những chị Xoan hay cô Tư bán cá bán tôm nơi chợ chồm hổm tự phát gần khu công nghiệp nào đó.

Còn hai chiếc loa rỉ sét Phạm Viết Đào và Nguyễn Hữu Quý bị câm hết rồi hay sao mà không thấy lớn tiếng nhắc lại lời khẳng định láo lếu rằng anh Cù sẽ được tha bổng tại tòa để làm trò cười mua vui cho bà con xả xì trét đi?
Print
 
Lên đầu trang