Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Nẫu


Dân nẫu, người xứ nẫu…

Ai không biết thì nghe có vẻ như một cách nói miệt thị, thằng tui nào giờ cũng tưởng vậy, cũng cho là vậy, mặc dầu không biết rõ ngọn nguồn…

Khi nói về một người nào đó gốc người miền Trung vắng mặt, người nọ biểu : “Thằng nẫu đó…”. Trong ngữ cảnh cụ thể thì rõ ra một câu chứng tỏ sự miệt thị gần đồng nghĩa với câu chửi.

Tui sưu tầm được bài viết trên mạng để trước hết là tui hiểu rõ ràng hơn về cái kêu bằng “ dân nẫu”

Tiếng nẫu quê mình

Người Bình Định, Phú Yên được gọi là người xứ Nẫu, hẳn nhiên vì ''đại từ nhân xưng'' nẫu (bọn họ, người ta…) đã trở nên quá phổ biến với chất giọng nằng nặng, thô ráp nhưng chân thật không lẫn vào đâu được.

Ngôn ngữ của người xứ Nẫu quê mình có nhiều từ, nhiều câu rất độc đáo, cũng không lẫn vào đâu được, đã trở thành phương ngữ xứ Nẫu. Chẳng hạn, nẫu, dẫy ngheng (vậy nghen), dẫy á (vậy đó), dẫy na (vậy à?), chu cha (có tính chất cảm thán, kiểu như "trời ơi")…

Đã nghe nẫu, dẫy ngheng, dẫy á… vài lần là nhớ mãi, là ngấm vào máu thịt, là không quên được bởi nẫu, dẫy ngheng, dẫy á… có quá nhiều ngữ nghĩa, sắc thái, tâm tư tình cảm - đương nhiên tùy theo ngữ cảnh.

Quãng năm 1997-1998, tôi có về công tác tại một xã ven biển Phù Mỹ. Ở đó, tôi đã chứng kiến một chuyện tình thật đẹp, thật cảm động giữa một anh bị khuyết tật đôi chân với một thôn nữ hiền lành. Thương anh ngày ngày lê ở bến cá để xin cá, nhặt cá rơi vãi mỗi khi thuyền về, chị chấp nhận về nâng khăn sửa túi cho anh, lại còn phải cáng đáng thêm một bà mẹ chồng đã già. Chị nghèo, gia đình anh cũng vậy, lại là thân nhân liệt sĩ, nên nương tựa vào nhau để sống. Tôi hỏi lý do tại sao chị lại dũng cảm lấy một người chồng khuyết tật, chị ậm ừ giải thích vài câu rồi thẹn thùng "kết luận": Dẫy á!

Chu cha, cái câu dẫy á của chị tuy chỉ hai từ nhưng trong ngữ cảnh này mới đắt làm sao. Dẫy á đã nói lên được bao điều và tôi không cần hỏi gì thêm cũng hiểu được tấm lòng của chị.

Gần đây, vào giữa trưa, lúc đang thiu thiu ngủ thì chuông điện thoại bàn réo tôi bật dậy. Bực mình nhưng tôi vẫn phải "A lô…". Đầu dây là một giọng nói đậm chất Nẫu: "Anh Bảy hé anh Bảy. Ủa, không phải na? Cho tui gặp anh Bảy chút coi!". "Dạ, đây không phải nhà anh Bảy, có lẽ chị nhầm số." "Ủa, lộn số hén? Thâu (thôi), dẫy ngheng." Rồi cúp máy.

Cái câu dẫy ngheng rất tròn vành rõ chữ, lại kéo dài âm "eng" như một lời xin lỗi, mong được thông cảm. Tan giấc nghỉ trưa nhưng tôi cũng chẳng còn cảm giác bực mình bởi dư vị của hai chữ dẫy ngheng cứ ngọt ngào trong tâm tưởng.

Một năm đôi ba bận tôi lại về quê - một làng nhỏ ven sông Côn - để cúng giỗ, dẫy mả. Các anh chị tôi ở quê làm nông là chủ yếu. Nghe tôi kể chuyện phố phường, thỉnh thoảng họ lại dẫy na? ngạc nhiên một cách hết sức hồn nhiên. Còn tôi thì sau mỗi lần như thế, lại dẫy á để khẳng định lại điều mình vừa nói, vừa kể.

Trong những lúc trà dư tửu hậu, nhiều người xứ Nẫu vẫn đem câu Yêu không yêu thì thâu, nói dứt phát (Yêu không yêu thì thôi, nói (để) dứt khoát) ra để tếu táo với nhau rồi tự trào rằng người xứ Nẫu mình có một câu nói hay đáo để.

Sử chép: Ngày 1 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), nước Đại Việt mở đất đến núi Thạch Bi (Phú Yên). Đến tháng 7 năm 1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định, Phú Yên ngày nay.

535 năm đã trôi qua. Trải qua bao bể dâu, biến thiên của lịch sử; trải qua bao cuộc giao lưu, hợp lưu giữa các nền văn hóa, cái lắng đọng lại, chắt lọc lại chính là văn hóa và con người xứ Nẫu, trong đó có ngôn ngữ xứ Nẫu. Có thể nói, ngôn ngữ xứ Nẫu là tinh hoa của văn hóa xứ Nẫu. Ở Việt Nam, các nhà ngôn ngữ học đã chia ra 3 vùng chính: Phương ngữ Bắc bộ, phương ngữ Trung bộ và phương ngữ Nam bộ. Trong phương ngữ Trung bộ, đương nhiên có phương ngữ xứ Nẫu.

Lâu nay, các sách ngôn ngữ học thường giới thiệu tiếng Việt như một thực thể nhất dạng. Trong thực tế, tiếng Việt rất đa dạng và luôn luôn biến đổi với những sắc thái địa phương khác nhau. Tiếc rằng, những sắc thái đó thông thường chỉ được cảm nhận, mà chưa được phân tích, lý giải tường tận.

Cũng vậy đối với phương ngữ xứ Nẫu. Hình như Bình Định đã có khá nhiều bộ địa chí, những công trình văn nghệ dân gian nhưng chưa có (hoặc có nhưng rất ít) đề cập đến phương ngữ xứ Nẫu, phương ngữ Bình Định với những lý giải, phân tích cặn kẽ, tận tường.

Văn hóa Bình Định, văn hóa xứ Nẫu không chỉ thể hiện qua những tháp Chàm trầm mặc rêu phong, qua câu hát bội thô mộc chất phác, qua điệu bài chòi mượt mà sâu lắng… mà còn thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ. Giá như chúng ta có một công trình nghiên cứu về phương ngữ xứ Nẫu, như Huế đã có phương ngữ xứ Huế, thì, chu cha, hay biết bao.

Bởi, nẫu (người Huế) làm được, sao người Bình Định mình không làm được.

(Theo http://www.vae.org.vn/News_print.asp?id=3571)


--------------------------
Một bài dân ca xứ nẫu do nghệ sĩ Hoài Linh thể hiện :



Than thân trách phận

Thân, trách thân nè. Thân sao chớ lận đận nè
Mình, trách mình nè, số phận chớ sao hẩm hiu
Chớ bởi thân tui, Tui cực khổ, tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa
Mà nó theo Nẫu rồi...

Em ơi chớ bây giờ mà
Em ở kìa nơi đâu?
Chớ để cho anh nè
Anh trông đứng nữa trông ngầu (ngồi)
Rồi canh phia (khuya), chớ hầu (hồi) nào
Qua Phú Lỡ ăn ẩu (ổi) chua
Chớ xuống Đại Lãnh, uống nước ngót
Chớ qua Hòn Dừa, ăn mực nen (nang)
Chớ bây giờ em không ngó nữa
Em không ngàng đến chồng nghèo nó cực khổ
Mà gian nan nó cơ hàn...

Hầu (hồi) nào chớ em thất nghiêp, em đi lang thang
Chớ anh thấy em nữa tậu (tội) nghiệp
Anh mang anh nuôi rày.
Hầu (hồi) nào em bán nước đá rầu (rồi) anh đi may.
Hai đứa mình nè, chung sống chứ không biết ngày rầu (rồi) mai sau.
Chớ hầu (hồi) nào em bắt ốc rầu (rồi) anh hái rau.
Chớ bây giờ, em đở (để) lại mối sầu này cho qua...

Hầu (hồi) nào trái chuối chín... Cũng cắn làm ba
Chớ trái cam tươi cũng cắn... Làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Chớ bây giờ em lấy Nẫu
Em ăn nằm, em bỏ Qua
Chớ Qua hiu quạnh, năm canh một mình...

Anh bây giờ, khoé mắt sầu cứ rung rinh
Chứ giọt lợ (lệ) sầu, giọt lệ thảm,
Như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ, như con Cuốc nó kêu tù qua
Chớ nó lẻ đâu (đôi), nó lẻ bạn,
Í quơ chú cha ơi.... là buồn! Print
 
Lên đầu trang