Từ ngữ của cải lương
SAU KHI ĐỌC BÀI ”TỪ LÓNG” ĐOẠN NÓI VỀ CẢI LƯƠNG, PHUONGNGUGIA TUI CŨNG XIN BỔ SUNG THÊM MỘT SỐ TỪ NHƯNG TUI CHO RẰNG IN HÌNH LÀ NHỮNG THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN CỦA MẤY GÁNH HÁT – SẴN ĐÂY TUI CŨNG NÓI VÀI ĐIỀU MÀ TUI TỪNG KINH NGHIỆM VÀ BIẾT VỀ GIỚI CẢI LƯƠNG NHỮNG NĂM 1980 THẾ KỶ TRƯỚC
Cầu chài:
- Là đám thanh niên trong gánh hát khi vừa đậu bến là lo dựng sân khấu, dựng rạp... Khi gánh hát dời bến thì phải lo dọn dẹp tháo dỡ chất lên xe tất cả những thứ để dựng sân khấu, lo tháo gỡ phông màn, pano quảng cáo, vác rương đồ hội.
- Khi gánh hát biểu diễn thì cầu chài còn phải vẽ mặt mặc quần áo ra sân khấu đóng vai quân sĩ lính gác… , phải lo kéo màn.
Đồ hội:
- Gồm phông màn, quần áo hia mão, vật dụng đao kiếm giáo mác, cảnh trí sân khấu của tuồng hát, các loại thiết bị ánh sáng âm thanh và vân vân thuộc về tài sản của bầu gánh.
- Gánh hát giàu thì đồ hội của ông bà bầu, gánh nghèo thì đồ hội phải đi thuê.
Đào mụ:
- Đào xấu, đào già, đào ca không hay thì đóng vai phụ, những vai bà già
Đào con:
- Đào đóng vai con hầu
Đào độc:
- Đào chuyên đóng vai ác
Dàn bao fi-cô-răng:
- Dàn đào kép trên vai phụ một bậc, chuyện đóng mấy vai gần giống đào kép chánh để nhằm mục đích làm nổi bật đào kép chánh
Tổng khậu:
- Những phụ nữ lớn tuổi chuyên lo việc hậu cần cơm nước, may vá phông màn.
Giàn cửa:
- Một vài phụ nữ đảm trách việc giữ cửa soát vé. Họ thường là vợ của mầy ông già coi âm thanh hoặc ánh sáng hay tài xế của gánh hát. Nói thêm, những người đàn bà này coi cửa thì bảo đảm, mấy rân chơi cao bồi làng ưa coi hát cọp hay quậy phá mà dọa dẫm giàn cửa nhè gặp các bà má này kể như xui tận mạng.
ĐÀO KÉP CẢI LƯƠNG TÀI DANH – HỌ LÀ NGƯỜI THẾ NÀO
Đào kép hát thường là cha truyền con nối. Một đứa bé con của đào kép cải lương hay chỉ là con của Tổng khậu khi vừa sanh ra thì được cha mẹ gởi cho người nuôi, người đó có thể là ông bà nội hay ngoại, hoặc một người thân nào đó…
Sau khi được đi học, thường là biết đọc, biết viết rồi thì đứa bé được khoảng tám chín hay mười tuổi đã theo cha mẹ để bắt đầu cuộc sống đời gánh hát lênh đênh giang hồ… cứ vậy mà đứa bé thuộc câu ca lời thoại của từng vở tuồng, thuộc các câu Hò Liu Sang Sứ Líu và vân vân. Lớn lên thì cô cậu nào tướng tá ngon lành, mặt mũi xinh tươi và tổ nghiệp thương ban cho giọng ca mùi mẫn là cứ rứa mà nổi tiếng rồi đoạt giải khôi nguyên này nọ vân vân
CHUYỆN Ở MỘT GÓC HẬU TRƯỜNG CỦA GÁNH HÁT
Trong gánh hát nào cũng có một hai cô gái chàng trai mặc dù chưa chắc là con nhà cải lương, cũng không bà con thân thuộc gì nhưng rất thân cận ông bầu, bà bầu. Ông bầu thì thường có một thằng giống như loại thơ đồng hồi xưa chuyên quanh quẩn cạnh bên đặng lo hầu hạ lặt vặt rót nước châm thuốc đấm bóp chân tay vàchạy chuyển lời của ông bầu tới ai đó, bà vợ ông bầu cũng có một đứa tớ gái in vậy.
Mấy đứa được hầu hạ ông bà chủ nếu có vóc sắc mà chịu luyện giọng lại ham cải lương, mà đứa đó cũng được tổ đãi nên có giọng ca tốt thì chắc chắn rồi sẽ có ngày được làm đào kép chánh. Khi đủ lông cánh cứ việc mà bay đi gánh khác làm mưa gió chi mặc tình.
TẠI SAO BẦU GÁNH LÚC CHẾT LẠI NGHÈO
Thời tiết ở miền Nam rất rõ rệt, mùa mưa ở miền Nam thì các gánh hát đổ xô ra ngoài Trung, khi miền Trung bắt đầu mưa thì miền Nam hết mưa… Bầu gánh nào cũng biết rõ bến nào thì đông khách, bến nào vắng khách, vậy nên khi bắt đầu chuyến lưu diễn thì gánh nào cũng vạch sẵn một lịch trình, muốn có được địa diểm hát ngon lành thì phải cần có mấy anh “Ngoại vụ” lo bến bãi. Bầu nào chịu chi mà may mắn mướn được một anh “Ngoại vụ” có nhiều quan hệ tốt với chức sắc địa phương các tỉnh thành khác nhau giành được bến đỗ ngon lành thì bầu phải mạnh tay chi lương cho anh đó. Ngoài chuyện có quyền lãnh lương lớn, ngoại vụ còn có quyền kêu bầu mở két chi chừng nào bạc cho ảnh lo bến nào đó, ngoại vụ còn có quyền quyết định thay đổi lịch trình…
Quan trọng hơn hết là ngoại vụ giỏi thì khéo thương lượng chung chi cho đám chức sắc địa phương để chỉ phải chi ít tiến bến, làm lợi nhiều nhứt cho bầu gánh.
Khi gánh hát biểu diễn sân khấu ngoài trời, rủi bữa nào sắp tới giờ hát bất chợt xảy mưa gió mà phải nghỉ thì bữa đó bầu chỉ phát lương “đờ mi” tức nửa lương. Khi gánh hát kẹt bến mà bị bão phải nghỉ hát háng tuần lễ, bầu chỉ tốn tiền phát lương đờ mi và tiền cơm. Khi trời đẹp nắng tốt thì chỉ một hai xuất hát là bầu gánh có quyền san bằng lỗ lã lấy lại nước Pháp, thêm xuất nữa chi tiền bến cho địa phương rồi những xuất còn lại là bầu gánh sẽ lại căng phồng túi bạc.
Một bầu gánh hết thời khi thua lỗ vẫn chịu móc túi gồng gánh và hy vọng "ngày mai trờilại sáng" là bình thường, rủi bão kéo dài mà chưa có bến mới bầu phải gồng tới khi cạn túi bạc thì chạy hỏi vay mượn các bầu gánh bồ bịch, cũng là vận mạt đã tới nên vừa thoát mưa bão thì gặp bến vắng tiền chi địa phương lại cao vậy nên nợ cứ chồng chất rồi hết mượn đâu được tiền nữa để nuôi gánh hát vậy nên đào kép bỏ đi, xác gánh đồ hội lại bị xiết trừ nợ nên gãy cổ rồi chuện phải đến đã đến chuyện phải đến... Chuyện các bầu gánh trốn nợ cũng là thường và chủ nợ cũng không đi hề kiếm đòi khi biết rõ con nợ cùng là chỗ bạn bè cũ không còn khả năng trả nợ. Một khi vô tình gặp chủ nợ cũng không làm khó chi con nợ...
------------------------------
Hãy đọc thêm một trích đoạn mà tui từng chứng kiến nhiều vụ tương tự
Theo soạn giả Hoàng Khâm, 32 năm sống tập thể với các đoàn Cải Lương cho biết, trong 32 năm đó, ông chứng kiến trên 3000 cô gái con nhà đàng hoàng vì say mê đắm đuối có ngày thành nghệ sĩ mà sa chân vào cạm bẫy của bọn người đội lớp Cải Lương lừa đảo, dụ dỗ đoạt trinh tiết rồi bỏ rơi một cách tàn nhẫn) tiếp tục sống lây lất theo đoàn, hoan hỉ hội nhập xã hội Cải Lương. Bất chấp tiếng thị phi, bất chấp nghèo giàu và tiền bạc...
...
...Chuyện vợ phản chồng, chồng phụ bạc vợ một khi tên tuổi đã lẫy lừng! Chuyện trò phản thầy, tìm cách bôi xấu tên tuổi thầy sau khi học hết bí quyết nghề Cải Lương! Chuyện bạn phản bạn, tố bạn đi tù để giựt vai chánh, nhưng bất tài, suốt đời đóng vai quân sĩ, cầm gươm đứng hầu hoàng cung! Chuyện chồng đem nạp vợ cho ông bầu. Đổi lại, ông bầu cất nhắc lên đóng vai chính, ca sáu câu vọng cổ! Chuyện đời phản trắc, chuyện tình bội bạc, chuyện người hại người, gạt tiền, úp hụi, giựt nợ, cho vay cắt cổ… tất cả những thói đời khốn nạn, những mảnh đời khốn kiếp, tồi tệ nhất đều ẩn ẩn hiện hiện phía sau thế giới hậu trường Cải Lương!
(Trích “HẬU TRƯÒNG SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG ( TRƯỚC NĂM 1975 VÀ TẠI HẢI NGOẠI) của Trần Trung Quân) Print