Home
  
Search từ khóa phuongngugia           English alternative text
Image alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text alternative text

Tìm trên Google.com         Tìm trong Site này

 Trước tiên xin hãy đọc lời ngỏ này 

Phiếm bàn về món đặc sản phở cuốn


alternative text
Nhà cháu không phải con nhà chuyên bán phở mặc dù rất biết rành về cách nấu cái món truyền thống mà nay đã được xem như là một món ăn quốc hồn quốc túy của dân ta…

Phở, hiểu theo lệ thường thì phải là một hỗn hợp gồm có bánh phở; thịt bò hay thịt gà đã luộc chín thái vừa miếng; lại còn hành hoa xắt nhuyễn, các thứ ấy được tuần tự cho vào bát. Cuối cùng là chan nước dùng đang sôi sùng sục vào bát, rồi tùy khẩu vị mà gia giảm thêm nước mắm, thêm dấm với ớt, còn cả hành tây xắt khoanh ngâm dấm loãng (riêng của nhà cháu thì là dấm loãng pha thêm đường) và… ăn nóng.

Bẩm… là nhà cháu cứ cho rằng hẳn là ai cũng đã biết từ trước đến giờ các ông có chút am tường về xuất xứ của món phở đa số đều thống nhất theo giả thiết rằng món phở lừng danh là một biến tấu rồì pha trộn của mấy món dân dã xứ Tonkin là bún xáo trâu ; bánh cuốn ; sau mới từ thịt trâu đổi sang thịt bò vân vân.

Những năm gần đây Hà Nội lại thấy có thêm một biến tấu nữa, nhà cháu cho rằng chỉ là một thứ dị bản của món bánh cuốn mà ra, mà một số người tùy tiện đặt tên mà gọi là phở cuốn, về cơ bản là dùng nguyên tấm bánh phở mà cuốn thịt rau vân vân… Trên mạng Internet có nhiều bài viết nói về cái món phở cuốn đang được một vài người xem như là một món ăn vào hàng đặc sản của Hà Nội (?!). Mà cái món nhiều người tụng là đặc sản phở cuốn ấy thì bà con người Việt mình ở thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas (USA) đã chế biến ra từ lâu rồi đấy ạ, cứ nhìn tấm hình dưới đây thì biết nhà cháu nói có sách mách có chứng
alternative text
Đây là tấm hình món bánh ướt cuốn thịt của tiệm ăn có tên Đông Ba của người Việt tại Houston. Nghe nói quán ăn này bán bún thịt nướng rất ngon, chủ quán còn chế biến ra món bánh ướt cuốn thịt này để giới thiệu với thực khách.

Bẩm… đến đây thì nhà cháu hãy hoãn nói tới cái sự ngon hay dở của món phở cuốn này để nhớ lại rằng đã từng đọc bài ký “PHỞ TÀU BAY” của tác giả Vũ Mai Hoa Sơn. Trong đó có đoạn :

- … Gặp hôm trời rét, lất phất mưa bụi, hàng phở Tàu bay hẹn ông Lâm đi làm sớm, đãi hẳn món đặc sản là tấm bánh phở bằng hai bàn tay cuộn bên trong ít thịt bò ướp xì dầu, tỏi, gừng non và quế chi, thêm ít rau thơm, tiêu, ớt. Chủ với khách mỗi người một cái nom như chiếc nem…

Là cái nhà ông có cái bút danh Vũ Mai Hoa Sơn nào đó, ái chà… tên gì mà dài như con sông Hồng nước màu hồng đỏ đục ngòm chảy qua ngoài bãi ngô gần nhà bà ngoại nhà cháu ngày xưa ở nơi làng Thanh Trì đất Hà Nội mà ngày bé nhà chúng cháu hàng buổi chiều vưỡn tồng ngồng tắm cả bầy ấy ?

Lại nói, dốt nát như nhà cháu thì cháu cứ nhất định cho rằng các thức như rượu cay nồng, vị gừng, quế, tỏi cùng tiêu và ớt phối hợp với vị mặn thơm của xì dầu với mùi hắc nhẹ của rau thơm (*) là đã bảo đảm làm nóng cho món đặc sản cây nhà lá vườn bánh phở cuốn thịt bò của ông hàng phở Tàu Bay lừng danh nọ.

Mà người ta chỉ ”… mỗi người một cái…” mà thôi, ăn lấy vị, ăn lấy hương hoa. Nhà ông hàng phở Tàu Bay nọ dùng cái món đặc sản là bánh phở cuốn thịt bò chín của mình để đãi ông bạn tên Lâm, hai người nhâm nhi mỗi người một (hay vài) ly rượu nếp cái hoa vàng có mùi hương của cùi trái ổi găng thoảng nhẹ, rất quyến rũ. Loại rượu thơm rất lạ này chỉ có ở gánh phở Tàu bay, độc nhất vô nhị.

Phở cuốn, theo nhà cháu đọc và biết thì đó là tấm bánh phở được cắt vuông vức khoảng chừng 20 cm vuông, trải ra, các thứ rau và thịt bò xào được bày lên rồi cuốn lại như ta cuốn bánh đa nem. Nghe nói món này chấm với nước mắm pha chua ngọt và vân vân.

Nếu là món bánh cuốn thì ngoài mùi thơm của nhân bánh là thịt lợn băm tẩm ướp gia vị rồi trộn thêm cả mộc nhĩ xắt sợi mà xào và vân vân, đặc biệt nhất là mùi hương của một giọt tinh dầu đuôi con cà cuống nướng được pha vào bát nước mắm Cát Hải nguyên chất, nặn thêm vài giọt chanh cùng là thêm mấy lát ớt đỏ tươi, bởi thế mà món bánh cuốn của người làng Thanh Trì trở nên trác tuyệt có thể sánh cùng với món phở, cả hai món đều đã được xem là những món quà ngon nhất của Hà Nội.

Cũng đã từng là một tay đứng bếp mà nhà cháu thật không hiểu cái món phở cuốn thì có gì ngon mà một số người cho đó là món đặc sản ? Về kỹ thuật mà nói nếu chế biến theo cách đó thì hương vị của món ăn làm thế nào để thoảng lẫn trong không khí để kích thích khứu giác mà mời gọi được thực khách ? Về thị giác thì có ai dám gọi cái món phở cuốn là một bức tranh phở hay một bài thơ phở ?

Nhà cháu lại cũng biết rằng cái anh thịt bò xào thì cứ là phải dùng nóng chứ chả ai đi xào thịt bò rồi lại chế biến thành món ăn mà phải chấm nước mắm pha lung tung này nọ bao giờ. Nhà cháu đã từng bán quán ăn sáu năm trời. Riêng cái anh thịt bò thì nhà cháu đã từng ngoài học hỏi cách nấu nướng từ các đầu bếp nhà hàng du lịch ta, học hỏi từ đầu bếp nấu đám tiệc của Tàu… cháu còn vắt óc suy nghĩ để tự chế biến ra vài món mục đích trước là mong muốn thực khách được ngon miệng, sau là thêm món thịt bò ngon hấp dẫn nóng hổi thơm lừng để dụ dỗ thực khách ăn thêm rồi trả thêm tiền…

Là một tay từng dao thớt liên tục 6 năm, nhà cháu cứ gọi là đã từng nổi tiếng lừng lẫy trong chu vi mấy chục cây số, ở một vùng sâu xùng xa với diện tích quán không đầy 20 mét vuông mà doanh thu bán hàng của nhà cháu bình quân là khoảng 90 triệu đồng một tháng.

Tay dao thái thịt bò tái bán phở của nhà cháu cũng đạt mức vừa thái thịt vừa xem Ti-vi, nhà cháu cũng đã luyện cho mình ngón nghề vừa xào món một tay cầm hũ đổ chút rượu mùi, tay kia cầm chảo nghiêng cho lửa ngọn bén rượu bắt vào chảo rồi lắc chảo cho đồ xào bắt lửa hồng tung lên cao sau đó đưa chảo hứng gọn gàng… Nhà cháu không thể nào đồng ý rằng món phở cuốn là ngon chớ đừng nói là món đặc sản gì gì.

Lại có một ý kiến khác nữa là :

- Món phở cuốn Hà Nội này có lẽ nguyên ủy là từ món bún chả của Hà Nội, món bún chả Hà Nội lãng du phương nam mà thành ra có thêm dị bản là món bún thịt bò nướngbánh hỏi thịt bò nướng mà nhà văn hóa Vương Hồng Sển nói đến trong cuốn Sài Gòn Tạp pín lù. Từ cái dị bản bún thịt bò nướng rồi theo chân người Việt sang Mỹ để biến tấu thành ra món bánh ướt cuốn thịt. Thế rồi từ nước Mỹ xa xôi, bánh ướt cuốn thịt lại quay về Hà Nội để một lần nữa cho ra một dị bản khác là phở cuốn. Một vòng lớn quá mà từ món bún chả lừng danh lại ra thêm cái thứ phở cuốn gì đó.

Lại nói, cái món phở cuốn gì đó… chỉ là một món ăn tự sản tự tiêu của cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ, thế thì không hiểu bằng vào nhẽ gì mà một số quán ăn nhỏ tại Hà Nội bắt chước nhưng lại đổi từ món thịt bò nướng thành ra món thịt bò xào rồi tung hô là đặc sản Hà Nội?

Chết nỗi tí nữa quên, nhà cháu nghe nói là người Hà Nội gốc còn sinh sống tại Hà Nội nay chả còn mấy. Hèn nào mà mấy bác Việt kiều người Hà Nội gốc sau khi hồi cố thắm quê thì than thở đất Hà Nội nhà mình nay bước ra đường đã phải nghe nếu không phải là đơ đớ giọng nhà quê thì là thứ giọng trọ trẹ của đám dân choa dân bọ.

--------------
 Chú giải :
- (*) : “Rau thơm” của miền Bắc là thứ rau mà người miền Nam không biết vì không thấy trồng.

Bán quán ăn cần có sáng tạo


alternative text
Còn nhớ, hồi về bán quán ở vùng quê, nhà cháu từng ráng sức đền ơn thực khách bằng cách luôn học hỏi trong việc nấu nướng các món cho hợp khẩu vị trước hết là của người ngụ tại địa phương…

Là người từ không biết gì, lần đầu xào cho khách một đĩa thịt bò mà bu nó nhà cháu run bắn không biết bán làm sao để khách đừng chê đắt mà bỏ đi không quay lại mà chỉ sau nửa năm quán ăn Ký Hai ăn đã nổi tiếng dọc theo QL 56 từ thị xã Bà Rịa đến ngã 3 Tân Phong tức là từ hướng Đông qua hướng Tây với chiều dài là 50 cây số, chiều ngang là từ hướng Nam là xã Láng Lớn cách 11 cây số đến thị trấn Sông Ray về hướng Bắc có chiều dài là 36 cây số.

Các món Tàu thì nhà cháu học được vài món món do đầu bếp tận tình chỉ bảo trong những lần chở bia hơi bán đám tiệc cưới vô xóm Tàu, đó là món thịt lợn Khâu nhục quốc hồn quốc túy Trung Hoa ; Món canh ếch cắp nạ cáng để uống rượu trắng (pạc chẩu) ; Món thịt gà luộc (thìn cấy lúc chấm nước tương xá kiếng) ; Món khai vị để uống với bia hơi (pế chẩu) hoặc bia chai (chắn chẩu) là mực khô ngâm nước cho mềm rồi mang thái nhỏ hình quả trám cỡ bằng quân cờ vây cùng với lạp xưởng và dừa khô, sau đó bỏ tất cả vào chảo mà xào. Nhà cháu còn học được cách ướp thịt heo quay, vịt quay kiểu người Tàu vào thời gian này.

Riêng món bò kho mà người Tàu Nùng cùng Tàu Quảng Đông gọi theo âm địa phương là ngầu nàm và rất thích ăn thì phải gia giảm mùi khi tẩm ướp sao cho người Việt thì nói hơi thiếu mùi ngũ vị hương, còn bà con nhà chú Woòng thì coỏng tố ửng vị co lo, dân địa phương là Tàu hay Việt đều cho rằng món bò kho của nhà cháu là ăn được, là hẩu xịch, như thế thì theo kinh nghiệm nhà cháu biết món của mình nấu là được rồi đấy.

Hồi đó nghe nói ở các nhà hàng Saigon có món mới là bò lửa hồng, nhà cháu mải lo buôn bán bận tối mắt thì làm chó gì có thời gian về Saigon để chui vào ngồi quán ăn rung đùi làm thực khách để gọi món mà ăn xem bò lửa hồng nó như thế nào…

Bữa đó nhà cháu có việc phải về Saigon, nhà cháu tranh thủ chạy vào phố Nguyễn chí Thanh quận 5 mua một chục cái thố nhỏ bằng sứ có nắp đậy, tiếp đó chạy về nhà tạt vào chợ Saigon mà dân các tỉnh lẻ thì gọi là chợ Bến Thành để mua một chục bếp nhỏ nấu bằng cồn (Alcol).

Tại nhà đang ở buôn bán nơi chợ Kim Long, nhà cháu múa dao thái 1 lạng thịt bò thăn như để bán phở tái, ướp hành tiêu tỏi bột ngọt nước tương cho thêm thìa cafe đường, sau cùng là cho vào hai thìa canh mỡ heo. Xong khâu chuẩn bị, nhà cháu sai thằng Ký Hai mang bếp bày lên bàn rồi đổ cồn vào ngăn chứa, sau khi đặt thố lên bếp, nhà cháu sáng tạo ra cách là nhúng đầu ngón tay vào cồn, sau đó nhanh tay bật quẹt cho cháy trên đầu ngón tay rồi mồi vào bếp, thao tác mới lạ đó khiến thực khách hoan hô rần rần nhốn nháo hỏi quán có món mới chi rứa anh Ba, nhà cháu tươi cười trả lời là món bò quanh lửa hồng nấu thịt bò bằng cồn 90 độ và chín bằng mỡ heo, khi chín sẽ đập thêm hột gà để lớp tròng trắng bao quanh không cho thịt bò chín quá sẽ bị dai ăn mất ngon mất bổ… Nghe nhà cháu diễn giải rồi thì bà con gật đầu kêu món mới để thưởng thức. Sự phản hồi nhận xét từ phía thực khách cùng là ngon lắm, được đấy…

Món bò quanh lửa hồng bản quyền của của Ký Nhì xực củn, tức quán ăn Ký Hai sau đó đã được nhiều quán khác trong vùng bắt chước.

Lại nói, phàm là dân nhậu ở miệt quê thì khi họ kéo nhau vào quán thì mình phải biết rõ họ chỉ là muốn uống. Nhà cháu thường bảo bu em rằng dân quê thường chắc lép, nếu thèm thịt cá thì họ bảo vợ con ra chợ mua cả ký lô về kho mà ăn. Vậy mình phải đoán biết tâm lý của phần đông tới đây là để uống, mồi màng chỉ cho có mà thôi.

Từ suy nghĩ đó mà ở thời điểm giá thịt thăn bò là 70 ngàn đồng một ký lô, nhà cháu bán thịt thăn bò nướng vỉ chỉ 5 ngàn một đĩa mà có đầy đủ đồ chua kèm theo, Dĩ nhiên bá tánh thắc mắc kêu bu em nhà cháu mà hỏi sao bán kỳ cục dzậy hả chị Ba, bu em nhà cháu tươi cười nói mấy mấy năm nay café có giá, mấy anh bây giờ tiền nhiều ăn uống nhiều nơi món ngon món lạ chớ quán tôi là quán nhỏ chỉ là bán ít mồi đặng cho mấy anh còn để bụng uống bia chứ no rồi làm sao uống.. Đám thực khách là dân tứ xứ nghèo khổ nhập cư nay đều đã là dân máu mặt có nhiều vàng hè nhau nhao nhao phản đối bộ chị Ba sợ tụi tui không tiền trả sao chớ, chị hãy mần dĩa bự cho tụi tui, bi nhiêu tiền cũng được, mang thêm bia cho tụi tui lẹ đi…

“Được lời như cởi tấm lòng”, bây giờ mới là lúc mình bán theo ý thích.

Vì muốn tạo cho các món ăn của mình có hương vị riêng, nhà cháu vắt óc suy nghĩ rồi dùng các thức là pạc mọt, sẩu cỏ, tính hính, quý héng, trẩn bỉ ngâm với rượu tốt mà xào nấu… Khi món ăn nào đó vừa chín thì luôn được đổ vô một chút rượu mùi, nghiêng chảo cho bén lửa vào thức ăn trong chảo rồi đảo đều mới trút ra dĩa. Bằng cách đó thì quả nhiên bản quán đã độc quyền hương vị đặc biệt cho mọi món ăn mà không quán nào bắt chước được.

Nhớ, là mùa mưa thì lươn ếch nhiều, khách vào quán cũng chỉ quanh quẩn lươn um ; lươn xào lăn ; lẩu lươn ; lươn nướng ; lươn tẩm bột chiên giòn … Ếch thì ếch nướng ; ếch xào lăn ; ếch chiên bơ, ; ếch chiên giòn ; canh ếch (cắp nạ cáng còn gọi là thìn cấy cáng).

Nhà cháu mang về cái lò nướng bánh mì bằng tôn thiếc của bác Phan Đức Sinh nhà số 2 Trương Định cũng là số 15 Kỳ Đồng quận 3, bác Sinh trước khi xuất cảnh đi Pháp (France) có cho anh em nhà cháu mỗi người một món gọi là kỷ niệm khi bác cháu xa nhau, chiếc lò nướng bánh là bác Sinh cho chị gái cháu cùng công thức làm bánh mà bác làm và bán mấy năm trước khi xuất cảnh…

Mùa mưa lươn nhỏ nhiều nếu loại bằng cỡ ngón tay thì giá 17 ngàn làm món giá bán rẻ cũng không ai chịu ăn, lươn to có thể làm món thì giá là 37 ngàn một ký lô. Nhà cháu bảo cu nó mua hai ký lươn nhỏ, làm sạch sẽ, chặt khúc dài bằng ngón tay rồi ướp với gia vị đầy đủ chừng nửa giờ cho thấm sau đó bỏ vào lò mà nướng bằng hơi nóng.

Chừng 20 phút lấy ra thì thịt lươn chín khô săn lại như đã phơi nắng nhiều ngày, ăn thử thấy thơm mềm và dai theo chuẩn mực hai nắng, trước khi chính thức bán mà lấy tiền thì nhà cháu hẵng mang mời vài vị khách quen xơi thử món khô lươn chấm mắm me thì được hỏi lươn này phơi lâu mau rồi và tháng mưa mà sao phơi được hay vậy… Thế là thực khách của bản quán được thêm món ngon rẻ mà lạ miệng là khô lươn khô ếch để nhậu bia hơi tới bến.

Thứa thắng xông lên, nhà cháu bảo bu em ra chợ lựa mua thịt bò nạm thứ rẻ tiền nhất mang về rửa sạch để ráo nước rồi ướp tẩm giống như cách ướp sườn heo, chỉ khác là để nguyên tảng lớn mà nướng lò . Món thịt bò đút lò độc quyền của quán ăn Ký Hai có thể để được rất lâu do tảng thịt bò 3 ký lô đã khô hết nước từ bên trong.

Đút lò xong thì tảng thịt bò chín sẽ cứng ngắc, có thể dùng dao to bản mà xắt mỏng như tờ giấy đúng theo nghĩa đen… Khi làm món thì cắt khúc quân cờ, sau đó bắc chảo lên bếp và cho bơ vào để nóng chảy, tiếp đó là đập tỏi vào, khi tỏi thơm thì cho thịt bò vào đảo đều nhưng nhẹ tay… nhà cháu công nhận món này dùng uống bia ngon tuyệt.

Quán ăn Ký Hai còn nổi tiếng vì luôn có sẵn các món thịt rừng là Cheo ; nhím ; Heo rừng, nếu để tủ đá bình thường thì quá hai ngày thì các con thú rừng sẽ có một mùi hôi khó tả , hôi từ trong tủy xương hôi ra. Phương pháp an toàn nhất là chia nhỏ mà bỏ vào tủ cấp đông, khi đó con thịt rừng sẽ đông cứng như đá. Dân làm rẫy giống như mưa nắng thất thường, khi hứng là rủ nhau xách xe ra quán nhậu chứ nào ai biết trước họ sẽ đến quán lúc nào, muốn bán thì phải lo mang thịt rừng ra rã đông để chờ khách đến ăn thế nhưng nếu lấy ra mà không bán được thì cầm bằng bỏ tiền mất oan uổng… chứ đông lạnh lần nữa thì thịt bèo nhèo còn gì?

Vùng quê khi đó có quán nào dám mua thịt heo rừng hàng nửa con để bán dần như quán Ký Hai ? Xin nói là thời điểm đó chưa hề xuất hiện hay nghe nói đến cái thứ gọi là phoc-mon gì đó. Nhà cháu lại chưa từng được ai dạy cho cách xử lý bảo quản thịt thú rừng nên thời gian đầu vất vả vì thứ này không ít.

Chợ Kim Long còn có quán lẩu bò Tư “mập” nổi tiếng không kém quán ăn Ký Hai, thằng thứ tư em ruột của bu em nhà cháu thay vì mở lời nhờ anh Ba chỉ dạy cách xử lý thịt làm sao cho để được lâu mà không bị bị hôi, cách xào nấu làm sao mà da con thịt rừng mềm giòn mà không dai… đằng này cậu nó xuống dùng lời lẽ để khích bác những tưởng anh Ba sẽ trúng kế mà tự xuất ngôn xướng bí cấp nhưng nào dè anh Ba do thấy ghét thái độ đó của cậu Tư mà kính nhi viễn chi.

Vậy đó, nhà cháu nào phải khi mở quán thì bỗng dưng mà nổi tiếng. Sau này cũng vậy, sau khi trở về Saigon thì từ cuối nửa đầu năm 2001 lăn lộn chạy cò rồi đầu năm 2002 gia nhập làng công ty thì cũng bằng nhiều cách sáng tạo có khi là do thời cơ, cũng có thể là do ngẫu hứng, tuy vậy dù sao thì nhà cháu cũng lại tạo được tên tuổi trong các mối quan hệ mới nơi đất cũ Saigon.

Cậy tài ba phần, trang điểm bảy phần


alternative text
Nhà cháu cũng từng nghe có câu rằng “Cậy tài ba phần, trang điểm bảy phần…”

Là nhà cháu cứ nói theo sách vậy, về ẩm thực nếu có quan bác nào không đồng ý thì xin hãy hỏi cụ Tản Đà mà xem. Theo nhà thơ say nổi tiếng là sành ăn bậc nhất thì thức ăn ngon nhưng chỗ ngồi không ngon thì ăn không ngon, thức ăn ngon nhưng không có bạn đồng điệu thì ăn không ngon, thức ăn ngon nhưng bát đũa không sạch sẽ thì ăn cũng không ngon...

Cùng thời đó còn có cao nhân lứa đàn em nhà thơ say là nhà ông Vũ Bằng thì lại nói khác hẳn :

- … Bởi vì ta phải biết rằng, người đi ăn phở - nói cho thật đúng nghĩa chữ ăn phở - không kỳ quản lắm đến sự bài trí của chỗ ăn, cũng như người ăn thuốc phiện, nghiện tiệm, không cứ là phải nằm hút ở một chỗ sang trọng có dọc đẹp, đèn pha lê và tiêm móc làm bằng bạc.

Nếu ta đã từng thấy có những người giàu có, nghiện thuốc phiện, chui vào những cầu gác bẩn thỉu, hôi hám để ăn thuốc mới thấy “đã thèm”. Thì ta lại cũng thấy biết bao nhiêu người sang trọng lần mò tới chỗ rất tồi tàn để ăn cho được một hai bát phở.

Đó là do người ăn phở sành, hầu hết, chỉ chủ tâm đến cái điểm chính là phở mà thôi, chứ không quan tâm đến ngoại cảnh làm gì…


Đến đây thì nhà cháu xin có lời bình rằng ông nhà văn Vũ Bằng xuất câu này khí quá gượng ép. Nếu theo ý ông thì chả nhẽ các con nghiện là các ông quan tham tán, các ông nghị viên, hay ông quan huyện phụ mẫu muốn hút điếu á phiện cho thật ngon há là cứ phải đóng cửa nhà đi ra ngoài chui vào mấy tiệm hút nơi xó xỉnh tù mù vừa bẩn vừa hôi thì hút mới ngon ru?

Lại nói, cùng quan niệm với thi sĩ Tản Đà còn có tay chơi lừng danh đất Cocchinchine Vương Hồng Sển, ông Tàu lai sống nơi xứ Nam kỳ quen ăn hủ tiếu Tàu từng lắc đầu mà cười rằng “… tiệm phở nào cũng dấu rất kỹ ngón nghề. Ai cũng cho rằng cái "bí-mật" của mình là hơn thiên-hạ, không thể nào... dại dột tiết lộ ra ngoài cho mọi người nghe…”.

Nhà cháu cho rằng ông Tàu Sển này chắc chưa từng ăn phở tại Hà Nội mà cùng lắm chỉ xực phẳn tại Saigon, và ông ấy khuyên mấy nhà hàng phở xứ Nam kỳ chớ dấu nghề làm gì mà hãy cùng nhau đóng góp kinh nghiệm ngõ hầu hoàn chỉnh bài thơ phở ngon thần sầu của người Việt mình.

Thế dưng nhà cháu lại phải có nhời xin thưa với tay chơi khó tính miệt Nam kỳ rằng nếu là phở thì có người đã cho rằng “Đến cái năm 1952 này, phở hình như đã tiến tới chỗ tuyệt đỉnh của nó rồi, cũng như một bản nhạc tuyệt kỹ... không chê vào đâu được, nghĩa là không thể thêm một món gì hay giảm một món gì”.

Nhà cháu là đồ hậu sinh nào dám góp bàn, nhà cháu là chỉ xin có vài nhời rằng là nói chuyện nấu phở thì không thể theo ý của ông tảu Sển mà ai muốn góp ý cái gì cũng được đâu ạ. Nhà cháu cả quyết ngày nay chỉ những hàng phở còn nắm giữ cách nấu của món truyền thống và đã có cách tân tí chút cho hợp thời, hợp khẩu vị thực khách nay mới đủ kiến thức để nói về món phở vậy.

Nhà cháu cũng cả gan mà quyết rằng nhất định là các hàng phở cho dù nổi tiếng bậc nhất ở Saigon hiện nay như phở Hòa đường Passteur ; phở Hồng Vân ngã tư Bùi Thị Xuân – Tôn Thất Tùng ; phở Thái Sơn đường Lê Lai ; phở 24… ; đều là tự mò mẫm sáng tạo riêng mà làm xương thịt tẩy mùi, tức là không biết nấu phở theo cách truyền thống mà đã đi vào lịch sử thơ ca của nước nhà.

Nhà cháu cũng quyết rằng các hàng phở truyền thống nổi tiếng tại Hà Nội hiện nay là chiều khẩu vị thực khách mà lạm dụng các loại dược thảo để tạo mùi nên vẫn chỉ có thể bán cho dân bản địa chứ nếu công thức nấu phở của phở Thìn Bờ Hồ, phở hai ghế phố Hai Bà Trưng, phở Cồ Cừ phố Giải Phóng vân vân mà bán tại Saigon thì nhà cháu e không đủ chi phí…

Còn nữa, là đệ tử mà sự cầu kỳ ăn uống còn vượt quá cả ông thầy Tản Đà là nhà văn Nguyễn Tuân thì : “Cụ ngồi đó, tóc dài lưa thưa, chuyện trò với bố tôi những chuyện của làng văn. Mẹ tôi cực kỳ hồi hộp, bưng ra hai bát phở nghi ngút khói. Cả nhà nín thở nhìn cụ cầm đũa, cầm thìa, húp soạt miếng nước phở đầu tiên. Đầu cụ gật gù, xong cụ múc nước phở húp tiếp, không ăn sợi bánh phở nào hết, cứ thế, cụ húp cạn hết cả nước trong bát phở. Xong cụ chìa bát ra xin mẹ tôi chan nước dùng vào tiếp. Mẹ tôi chưa hiểu ất giáp gì, te te chạy xuống bếp hào phóng chan cho cụ một bát phở mênh mông nước. Bưng lên, lại xì xoạt húp nước đến hết, lại xin chan thêm nước ! Giờ thì mẹ tôi đã mang máng hiểu ra mục đích của cụ rồi, quả nhiên lần này thì cụ ăn phở một cách bình thường như chúng ta vẫn thường ăn, tức là ăn cả cái lẫn nước. Đúng như mẹ tôi đã đoán, cụ giải thích rõ ràng sau khi ăn xong : ăn như cụ thì ở nước chót, bánh phở đã ngấm hết vị ngọt của nước dùng rồi nên lúc đó nước trong bát phở không bị nhạt, bị chua nữa, bát phở nước chót ấy phải nói là ngọt kinh dị !

Nhà cháu nghĩ rằng đến nhà người ta làm khách mà như cái nhà ông Nguyễn Tuân thì chỉ có một… Tuy nhiên ông nhà văn họ Nguyễn vẫn không thể khiến cho nhà cháu không coi thường vì lời giải thích của ông ta khi viết bài ký “Phở” nổi tiếng. Và chuyến làm thực khách nọ khi được mời của ông ta cháu nhận xét là rất quá khích.

Nhà cháu thấy nhà ông họ Nguyễn ăn phở cũng là cách ăn phở giống với nhà ông họ Vũ.

Nói đến đây thì nhà cháu lại nhớ, hồi năm 1977 - 1978, nhà cháu học lớp 9 trường Đồng Xoài trên phố Ngô Tùng Châu, phường 12, nay là đường Lê Thị Riêng phường Bến Thành quận một, khi đó ông thầy dậy môn văn mà nhà cháu vì lâu quá nên đã quên mất tên, trong một buổi giảng văn về đề tài ẩm thực, nhân nói đến món phở, ông thầy cùng là người gốc miền Bắc mà nghe cách phát âm thì chắc là dân Bắc di cư vào miền Nam năm 1954. Ông thầy vừa nói vừa ra điệu bộ kèm theo nhằm minh họa cho đám học trò nhỏ chúng cháu dễ hình dung :

- Một bát phở ngon mới chỉ nhìn đã thèm, rồi khi ngửi thì chảy cả nước răng… vừa ăn vừa húp sùm sụp, nước lèo phải nóng vừa ăn vừa vã mồ hôi, lại thêm do ớt cay quá mà nước mắt nước mũi chảy vừa ăn vừa hít hà rồi phải rút khăn mu soa đưa lên mặt quay người hỷ mũi cái rột, ăn phở vậy mới sướng…

Nghĩ lại thì cái nhà ông thầy giáo hẳn cũng theo đạo phở, cũng cùng lớp ăn phở với các tiền bối họ Nguyễn, họ Vũ

Một hiệu ăn được nổi tiếng nào phải là chỉ nhờ nấu nướng ngon ngọt mà thành danh, mà đông khách, cứ như nhà cháu thì cháu cho rằng nói như Tản Đà tiền bối mới phải.

Nhà cháu hẵng xin hỏi rằng tại sao anh đầu bếp nổi tiếng trong nhà hàng lớn mà đi ra ngoài mở tiệm ăn riêng lại thất bại. Đó chả phải là do không hội đủ những yếu tố như cụ Tản Đà đã nói đó sao ?

Người Trung Hoa có câu: “giàu mở thương hội, nghèo mở phạn điếm”, nhà cháu luôn nhớ nằm lòng và đã từng áp dụng thành công rực rỡ.

Theo nhà cháu thì quán ăn không cứ là phải ngon nhất, nguyên tắc của nhà cháu là “ai sao mình vậy”, không cần phải là tay nghề giỏi nhất để nấu ra các món ăn ngon nhất mà chỉ cần món ăn do mình nấu đừng dở hơn người khác, cùng với vị trí thuận lợi cho buôn bán, chủ nhà hàng niềm nở vui vẻ, vệ sinh sạch sẽ. Cần đặc biệt chú ý đến khẩu vị riêng của từng vị khách quen. Luôn suy nghĩ sáng tạo và giới thiệu món ngon mới để thực khách thưởng thức và góp ý rồi theo đó mà gia giảm nêm nếm cho hợp khẩu vị của số đông… Cứ theo trải nghiệm thực tế của nhà cháu thì khi đã kết hợp được tất cả những yếu tố đó là đã thành công rồi vậy.


- Nhân nói tới đề tài “trang điểm” thì nhà cháu nhớ đến cái nhà ông Nguyễn Tuân, từ trước đến giờ đã có rất nhiều bài viết nói về ông nhà văn Nguyễn Tuân trong nhiều thời kỳ tựu trung là nói về một người nổi tiếng với tính cách ngang tàng, với sự cầu kỳ bậc nhất trong cách ăn uống mà nhiều người, nhất là cái nhà ông Tô Hoài từng ca ngợi một Nguyễn Tuân ngang tàng, kỹ tính và sành điệu.

Từ trước, mỗi lần đọc một bài viết mà có nhắc tới cái sự kỹ tính nói riêng trong trong ẩm thực của nhà ông họ Nguyễn, nhà cháu cứ cảm giác có cái gì không thật qua cách hành xử của họ Nguyễn. Nhà cháu từng có bài nhận xét về lời kể cái cách để ông có tư liệu viết bài “Phở” ông Nguyễn Tuân và do lúc đó mới chơi blog vì không biết cách nên vô tình xóa mất trang phuongngugia phiên bản đầu tiên. Thì đây, nhà ông Vũ Thư Hiên đã giải tỏa cho nhà cháu cái cảm giác đó khi nói về ông Nguyễn Tuân :

- Gần ông nhiều tôi mới phát hiện một điều không bình thường: trong chúng ta chưa một ai biết Nguyễn Tuân thật ra làm sao hết, tức là, tôi muốn nói một Nguyễn Tuân trời sinh đất dưỡng, một Nguyễn Tuân tự nhiên, với tính cách trời phú. Chúng ta chỉ biết một Nguyễn Tuân nhân tạo, do chính Nguyễn Tuân là người nhào nặn. Không biết tự bao giờ, Nguyễn Tuân bắt đầu công việc ấy, ta chỉ biết ông đã làm ra cái sự độc dáo, cái sự không giống ai, cho riêng mình, từng chút một, dần dà, để rồi nó ngấm vào ông, nhập vào ông, làm thành một Nguyễn Tuân như mọi người được biết.

Quả đúng như thế, nhà cháu thừa nhận cái nhà ông Nguyễn Tuân đã thành công khi tạo được cho mình một tính cách mà từ đó mà người đời đã nhìn nhận và cho rằng nhà ông ta có cái tính ngang tàng, một kiểu cách sành điệu. Tất cả là do họ Nguyễn cố tình tạo ra cho mình rồi lâu ngày trở thành thói quen, một thứ phản xạ có điều kiện mà rốt cuộc cái nhà ông họ Nguyễn vì tự kỷ ám thị nên cứ ngỡ rằng trời sinh mình ra là đã khó tính, đã sành điệu hơn người.

Phiếm luận về phở


alternative text
Món ăn thuần Việt từ lâu đã tỏa sáng rực rỡ trong ngoài nước là phở.

Từ thế kỷ trước, người đầu tiên có bài viết trong đó có nói tới phở là nhà văn Thạch Lam với “Hà Nội 36 phố phường” ở phần nói về gánh phở trong nhà thương Phủ Doãn tại Hà Nội. Chỉ bằng vài lời văn tả thật tự nhiên mượt mà của một cây đại thụ trong nhóm “Tự lực văn đàn” mà gánh phở rong của Hà Nội như được thăng hoa :

- Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ.

Bài viết của nhà văn Thạch Lam giống như phát súng lệnh đầu tiên, sau đó các nhà thơ nhà văn tên tuổi đều có bài viết và đã không tiếc lời ca ngợi món phở, bài ký “Phở” đã đưa đại chúng biết đến nhà văn Nguyễn Tuân như một bậc thầy về phở, nhà văn Vũ Bằng với bài “Phở bò – Món quà căn bản” khiến đọc giả lâu nay quá quen với bát phở rẻ tiền giờ mới biết Hà Nội xưa còn có cả một ông vua phở, đọc giả đến giờ mới biết bát phở hóa ra còn là một bức tranh ẩm thực tuyệt đẹp… Thế là công chúng có cái nhìn trân trọng đối với món quà bình dân vẫn ăn hàng ngày ấy, nhà thơ trào phúng nổi tiếng Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu cũng phải động lòng mà múa bút cho ra bài “Phở đức tụng” làm người đọc càng hứng thú với ý nghĩ bát phở còn là một bài thơ đầy ý tứ…

Từ phương Nam – Sài Gòn xa xôi, tay chơi người tàu lai rất nổi tiếng nhưng đại khó tánh Vương Hồng Sển chỉ quen ăn mì xá xíu, hủ tiếu tàu cùng bánh bao há cảo xíu mại… thế mà sau khi được thưởng thức món phở chính thống của tiệm phở Huỳnh đã không đừng được mà phải cầm bút viết những dòng ngợi ca tán thưởng.

Lại xuất hiện cả giai thoại thi sĩ Tản Đà khi ở Sài Gòn từng cậy nền gạch bông nhà trọ lấy đất trồng rau thơm để ăn phở…

alternative text
Cùng song hành với món phở, suốt chiều dài thế kỷ đã có hàng trăm, hàng ngàn bài viết ca tụng món phở của các cây bút chuyên nghiệp có, không chuyên có, thậm chí dốt đặc cán mai như nhà cháu đây do ngẫu hứng đột xuất mà múa tay gõ bàn phím cũng là để quảng bá cho món phở qua những dòng mà các quan bác đang đọc đấy ạ.

Những cái vừa kể đã cùng nhau đưa món phở lên tột đỉnh vinh quang, mặc nhiên phở trở thành món ăn quốc hồn quốc túy. Trong lãnh vực ẩm thực thì chừng mực nào đó phở còn là biểu tượng của Việt Nam.

Xin hỏi rằng thế giới có món ăn nào của dân tộc nào mà lại được sùng bái, được tôn vinh như vậy ?[ Lại khiến người ăn khổ sở vất vả đến vậy?

Này nhé :

- … buổi sáng, hàng trăm người chen chúc khổ sở vào cái ngõ con bề ngang không quá một thước ở phố Hàng Khay, bên cạnh nhà Bát Si Nha hay xuống tận đằng sau chợ Hôm, trong một cái quán lá tồi tàn để thưởng thức cho kỳ được một hay hai bát phở….

Lại còn gánh phở Tàu Bay mà: “… sáng sáng, người ta đứng đầy cả ra ở ngã ba đầu Hàm Long, xế cửa Sở Hưu bổng để mà tranh nhau ăn…

Còn nữa, mỗi buổi sáng, người thích phở ở Hà Nội phải: “ … chen chúc vất vả, hò hét đứt hơi được một bát phở…” ở hàng phở Tráng, người được tôn xưng là vua phở của Hà Nội năm 1952.

Cái nhà ông nhà văn Vũ Bằng còn kể lể :

- … biết bao nhiêu bận đứng chờ làm phở, tôi đã thấy những người đàn bà, đàn ông, người già, trẻ con, bưng lấy bát phở mà đôi mắt sáng ngời lên. Người ta chờ lâu thì bực thật đấy, nhưng cũng vẫn cứ chờ cho được, tuồng như đã đến mà không được ăn thì chính mình lại phải tội với mình, vì đã đánh lừa thần khẩu - hay nói một cách khác, đến đấy mà không cố ăn cho kỳ được thì rồi sẽ hối hận như một người tình đã để lỡ cơ hội chiếm người yêu….

Thử hỏi, có món quá sáng nào mà: “… Hàng năm bảy chục người, hàng tám chín chục người đứng vòng lấy gánh hàng của anh ta, chật cả một cái hè đường để mua ăn” theo như lời kể của nhà văn Vũ Bằng.

Thế thì bát phở bò truyền thống Hà Nội như thế nào mà được ca ngợi quá vậy ?

Cũng vẫn theo như lời của tác giả cuốn "Món ngon Hà Nội" thì:

- Một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu... Trên tất cả mấy thứ đó, người bán hàng bây giờ mới thái thịt bò từng miếng bày lên. Ông muốn xơi chỗ thịt nào cũng có: vè, sụn nạm, mỡ gầu, mỡ lật, vừa mỡ vừa nạc, vừa nạm vừa sụn, thứ gì anh ta cũng chọn cho kỳ được vừa ý ông. Ăn phở chín thì như thế là xong, chỉ còn phải lấy nước dùng và rắc một chút hạt tiêu, hay vắt mấy giọt chanh (nếu không là tí dấm). Nếu ông lại thích vừa tái vừa chín thì trước khi rưới nước dùng, anh Tráng vốc một ít thịt tái đã thái sẵn để ở trong một cái bát ôtô, bày lên trên cùng rồi mới rưới nước dùng sau. Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm... rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học... không, ông phải thú nhận với tôi đi: “Có phải ăn một bát phở như thế thì khoan khoái quá, phải không?

alternative text
Có lẽ do quá yêu món phở mà nhà văn Vũ Bằng còn cho rằng:

- … Quả vậy, ăn một bát phở như thế, phải nói rằng có thể “lâm li” hơn là nghe thấy một câu nói hữu tình của người yêu, ăn một bát phở như thế, thú có thể ví như sau một thời gian xa cách, được ngã vào trong vòng tay một người vợ đẹp mà lại đa tình vậy!.

Phải nói rằng yêu phở, mê phở như cái nhà ông nhà văn Vũ Bằng thì chỉ đến thế là cùng. Nhà cháu dám cá rằng người đọc ở miền Nam cho dù nếu chả biết "phở truyền thống" là gì mà khi đọc những dòng này ắt phải tìm nơi mà ăn cho kỳ được một bát phở bò truyền thống Hà Nội cho biết với đời vậy.

Lại nói, nhà cháu vì dốt chữ không thể hiểu được ý nghĩa cao siêu trong những lời nói của mấy ông nhà văn nhà thơ, duy có điều này thì nhà cháu công nhận tắp lự, đó là “… Gặp phải ngày ta se mình, ngửi mùi thịt thấy sợ, hàng phở ngon vẫn có thể làm cho ta ăn ngon miệng với một bát phở chay, chỉ có bánh và nước thôi. Làm như thế mà ngon, thế mới là ngon đấy…

Phở, người ta còn ví phở với những cô nhân tình của các đức lang quân chán cơm thèm phở, muốn tò tí với bồ nhí.

Phở có mặt mọi lúc mọi nơi, phở được thi vị hóa khi nhà văn Nguyễn Tuân mô tả :

- … Mùa đông ở Việt-nam, không gì nên thơ bằng cái hình ảnh một bếp lửa hàng phở bến ô tô nhiều hành khách quây quanh chờ đợi bát mình, vai rụt xuống một tí, người nhún nhẩy như trẻ em đang thú đời.

Phở còn là món ăn đầu tiên người ta nhớ, người ta muốn ăn sau những ngày ê hề với những bữa cỗ ngày tết. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng vậy:

- Tết, nhà ai cũng bánh chưng, cá kho, thịt đông, nhưng vẫn rất đông người tình cờ mừng tuổi nhau ở những hiệu phở khai trương từ mùng hai Tết….

Nhà văn họ Nguyễn còn viết rằng phở cũng bị mang ra ví von khi một cô gái làm đĩ than thở:

- Đời hồi này như một gánh phở bánh trương mỡ nguội đóng váng.

Đến đây, nhà cháu mạo muội mà nói rằng đã là phở thì không cứ gì là phở bò hay phở gà, chỉ có cái ông nhà văn họ Nguyễn là người kiêu ngạo khó tính bậc nhất trong việc thưởng thức món phở, ông ta nhất định không công nhận phở gì khác ngoài phở bò chín nhưng nhà cháu thấy cái nhà ông họ Nguyễn ấy cũng phải buộc lòng nhắc tới hàng phở gà đầu tiên của Hà Nội xưa :

- … có một hàng bán phở gà ở Hà nội mà nhiều người thủ đô không bằng lòng chút nào. Y bán vào buổi sớm, người xúm lại kêu ăn gạt đi không hết.

Cho dù nhất định không thèm ăn cái món phở gà mà đã bị ông ta gọi là thứ phở sa đọa, ấy dưng cái nhà ông Nguyễn Tuân vưỡn cứ do tò mò mà đi tới phố Huyền Trân công chúa để đứng xa xa mà nhìn những tín đồ của đạo phở chen lấn vòng trong vòng ngoài ồn ào đòi ăn làm náo động cả một quãng đường buổi mai:

- Hãy đứng ở đây một buổi sớm mà xem người ta ăn phở gà. Sốt ruột đáo để. Người ăn mề gà, người ăn đùi, ăn thịt đen chứ không ăn thịt trắng nó chua, ăn lá mỡ, phao câu, ăn đầu cánh. Miếng ăn ở đây đích thị là một miếng nhục, nhục theo cái nghĩa một miếng thịt ngon hợp khẩu vị, và cũng đi theo cái nghĩa nhục nhằn túi bụi. Ở vỉa hè đường ấy, cứ nhao nhao cả lên quanh một ông hàng mặt phớt tỉnh như đế quốc Ăng lê và bán hàng rất cửa quyền, khách phải đi lấy lấy bát. Có người đã dắt sẳn từ nhà đi một củ hành tây, có người quả trứng gà... đập trứng bỏ hành tây vào cái bát mình đã thủ sẵn và đánh dấu vào bát, dúi dúi bát trước mặt ông hàng, cười cười, nhắc nhắc, xuýt xoa nói to nói nhỏ, cứ như là sợ cuộc đời nó quên mình, nó nhầm mình... .

Chưa hết phở còn chen vào những cuộc ngả giá mua bán, nhà văn Nguyễn Tuân kể :

- Có những kẻ sống không nhà cửa, chuyên môn đứng đường, chạy hàng sách chợ đen đủ các thứ, lúc tính tiền hoa hồng, lấy bát phở tái năm xu làm đơn vị giá cả,"việc này mà trôi chảy, ông bà chị cứ cho em một trăm bát tái năm, vân vân...

Nhà văn Nguyễn Tuân vẫn kể lể :

- Chúng tôi ngồi trên bờ một cái hồ xứ Bắc ở ngoại thành Hen xanh ky tưởng nhớ đến một bát phở quê hương, và đối với món ăn đó của dân tộc đáng yêu chúng ta ở Đông Nam Châu Á, chúng tôi đã phát hiện những đức tính dồi dào của phở, tự mình cho đó là những cơ sở vững chắc để dựng lên một nền lý luận cho món phở. Sau đó mấy tháng trở về nước, đặt chân lên đất Hà nội, bữa cơm đầu tiên của tôi là một bữa phở.

Còn nữa, nhà cháu xin góp một câu in hình mới có từ mãi sau này đã được truyền khẩu trong nhân gian, và phở còn được ví von một cách rất sinh động:

- Phở là cơm nguội nhà ta
  Nhưng là phở tái thằng cha láng giềng.


alternative text
Ở xứ Cocchinchine xa xôi, tay chơi tài hoa Vương Hồng Sển lên tiếng họa với tài tử đất Bắc khi hồi tưởng lại lúc ngồi trong tiệm phở Huỳnh ở quận Phú Nhuận trong làn sương mờ tỏa ra từ nồi nước dùng. Giữa làn hơi nghi ngút quyện mùi phở thơm lựng lại thấp thoáng yểu điệu hai cô con gái chủ quán đi tới lui bưng phở cho khách ăn mà một phút xuất thần mơ màng Vương tiên sinh thấy mình sung sướng hơn hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi hái thuốc trên núi vô tình lạc vào vườn đào tiên gấp bội :

- Trời sáng lạnh lạnh, tô phở bay hơi nghi ngút, tay cầm đũa, vít miếng thịt mềm nhừ, hay miếng "mỡ gầu" vừa giòn vừa dai, gion gion giòn giòn, chấm một chút tương cay, mắt liếc tay ngọc bưng tô cho bàn bên cạnh, tưởng đâu chừng mình đã theo Lưu Nguyễn lạc lối thiên thai, với mười bảy đồng hay hai chục đồng mà nếm tô phở Huỳnh buổi ấy, hơn Lưu Nguyễn bội phần vì hai chàng lạc lối cảnh ăn đào thiếu bổ !

Có vẻ khi nói tới phở đã khiến tác giả của “Sài Gòn tạp pín lù” hứng chí, tay chơi điệu nghệ đất Sài thành lan man thả hồn tưởng như lang thang vô định theo mùi hương thảo quả quế hồi gừng hành từ một nồi phở đang tỏa khói của gánh phở rong trong cơn gió đêm lạnh cắt da miền phương bắc :

- … ngoài thịt bò, xương bò, xương heo, người ta còn cho đuôi bò. Điều này, cuối chợ, khi sắp đóng cửa hàng, phần "xí-quách" ấy là một món ăn còn có thể nói là hơn lương-trân, dành riêng cho các ông thích nhậu. Hỡi ôi, gặm cục xương đã mềm nhừ hay ăn cái đuôi bò thấm đượm, chiêu một ngụm rượu cay nồng, giữa cái lạnh lùng giá buốt của mùa Đông, tưởng chừng như thiên-đàng cũng không bằng !!!

Bằng sự trải nghiệm “Hơn nửa đời hư” từ bản thân, lại là người Nam bộ nên có lẽ tác giả của “Sài Gòn năm xưa” ngạc nhiên lắm khi thấy các tài danh đất Bắc đều bị nghiện món phở. Từ đó ông cất công tìm hiểu, sau khi tìm tòi, phân tích về cách thức để làm thành bát phở truyền thống Hà Nội, tay chơi người tàu lai họ Vương như chợt hiểu đã cả cười mà nhái vui giọng của người miền bắc:

- Úi giời, thế thì phở quả nhiên "nhiệt" thật, toàn là thứ để làm thành rượu thì ăn phở đâm ra... nghiện cũng đúng thôi.

Phở còn là cảm hứng của nhiều người, nhiều giới, xưa có giai thoại rằng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ra vế đối “Da trắng vỗ bì bạch” làm khó tay chơi người Thanh Hóa, người Sài Gòn cách nay mấy chục năm cũng có một giai thoại về bà chủ hàng phở ra một vế đối khiến giới mày râu đô thành vò đầu bứt tóc:

- Nạc, mỡ nữa làm chi, em nghĩ chín rồi không tái giá.

Người miền Bắc với món phở thì như đã nói, thế còn người miền Nam đối xử với phở thế nào ngay tại đất Sài Gòn là nơi tập trung và rất sẵn đủ loại món ngon thức lạ? Hãy nghe tác giả Phan Nghị kề lại trong phóng sự “Alo. Saigon” của ông:

(Trích)- Hồi đó nữ ca sĩ Thái Thanh và nữ ca sĩ Tấm Vấn ở tít trong chợ lớn, sáng nào cũng ngồi xích lô ra sân quần vợt không phải để đánh banh lông mà là để đớp phở.

Cao thủ Trần K. có ông anh cũng tên Trần K. và cũng là cao thủ bóng lông, còn mê phở hơn cả ông em. Sáng nào ông K. anh cũng gò lưng đạp chiếc xe đạp ọp ẹp chở người tình 200 pao từ Chợ Lớn ra sân quần với mục đich cao quý duy nhất là đớp phở của con gái ông BH. Có nhiều lần, có lẽ tại tối trước ông K . anh chơi bóng lông hơi nhiều và hơi khuya, sáng ra chân chùn gối lỏng, ông đạp xe hơi chậm, tới hơi trễ, đã thấy cái thùng nước phở chổng mông lên trời. Phở chính thống là thế: bao nhiêu thịt là bấy nhiêu nước. Hết nước là hết thịt, hết thịt là hết nước. Và hết là hết, chứ không có cái trò đổ vài lon nước lèo hộp, hay ném mấy cục bouillon vào nước, thêm tí mắm tí bột ngọt, đun sôi lên bán với thịt tái. Sau mấy lần đạp xe phờ râu tôm tới nơi lại hụt ăn, ông K. anh đành thương lượng với cô chủ phở như thế này: “Mỗi sáng cô cứ vui lòng để riêng ra hai tô, cất đi cho tôi. Tôi tới kịp để ăn hay không tới ăn được cũng kệ cha tôi. Tôi vưỡn cứ trả tiền như thường”.


Lại còn cái nhà ông Đoàn Tiểu Long nào đó đã múa bút mà nhận xét :

- … Chính là vì người Hà Nội vô cùng bảo thủ và khó tính trong chuyện ăn uống. Thời các cụ Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, phở phải như thế nào mới được coi là ngon, thì giờ đây vẫn vậy. Người ta vẫn chịu khó xếp hàng, chen chúc nhau trong một cái quán chật chội, bẩn thỉu, với những chiếc bàn gỗ cũ kỹ, thấp lè tè, để ăn một bát phở ngon. Bát, đũa, thìa vẫn y như thời bao cấp, dù chủ quán rõ ràng thừa tiền để sắm loại đẹp hơn: bát ô tô bằng sứ rẻ tiền, đũa tre đen thui, cong queo; thìa nhôm cán ngắn, và tuyệt nhiên không dùng bát đũa bằng nhựa melanine. Dùng bát đũa nhựa để ăn phở chỉ tổ phí đi! Tương ớt cứ phải là loại làm thủ công còn nguyên xác ớt, để trong lọ thuỷ tinh miệng rộng và dùng thìa múc, chứ dùng loại tương ớt công nghiệp xay nhuyễn đựng trong chai nhựa là vứt. Người miền Nam vốn quen ngồi bàn cao, rộng rãi, dùng tô lớn, đũa nhựa, thìa inox, ớt công nghiệp pha bột cà chua và phẩm màu, ra đây không hiểu được điều này. Họ hết sức ngạc nhiên (và khoái chí nữa) thấy các cô gái Hà Thành xinh như mộng, mặc váy ngắn, ngồi bên chiếc bàn gỗ cáu bẩn thấp lè tè, còn thấp hơn cả đầu gối các cô, mà mê mải húp từng thìa phở làm má và môi hồng rực lên, chẳng buồn để ý đến sự hớ hênh của mình.

alternative text
Cái cách ăn của người Hà Nội nghiện phở cũng khác. Anh ta không vội vã bỏ đủ thứ rau giá, dấm ớt, tương đen tương đỏ vào bát phở, trộn nháo nhào lên như đánh vữa rồi ăn ào ào như người Nam. Người Nam, nhất là dân Sài Gòn, làm gì cũng ào ào, khiến các bà vợ tức phát khóc, nhưng các em gái bán hoa lại thích. Người Hà Nội, trái lại, cừ từ từ, nhẩn nha như chẳng có gì vội vã. Trong công việc mà thế thì đáng ghét lắm, nhưng trong chuyện ăn uống lại đâm ra hay. Anh ta rất từ tốn, dù trong bụng sôi sùng sục và nước miếng tứa ra đầy mồm. Thoạt tiên, anh ta hãy hít hà mùi thơm bốc lên từ bát phở đã. Chà chà, khá đấy, nhưng hình như hôm nay chủ quán bỏ hơi nhiều hoa hồi thì phải, chắc mới bị cảm nên nghẹt mũi chăng? Rồi anh ta múc một thìa nước dùng nóng rãy đưa lên miệng nếm. Chao ơi, ngon chết người đi. Nước dùng thế này mới là nước chứ! Xem thịt thế nào nhé, được đấy, miếng tái mềm ngọt, miếng nạm cũng mềm mà không bở xác. Vị hơi gây gây thế này đích thị là thịt bò chứ không phải trâu. Bánh phở vẫn trắng mềm như mọi khi, quán này có nguồn cung cấp khớ đấy. Không biết có hàn the, phoóc-môn không nhỉ, chắc là có thì mới ngon thế chứ! Chỉ sau khi đã ăn vài ba thìa phở “nguyên chất” đó rồi, đánh giá đầy đủ bát phở hôm nay so với mọi hôm để chốc nữa còn phê bình chủ quán, anh ta mới từ tốn cho dấm tỏi, tương ớt vào. Những thứ này, nếu cho ngay từ đầu, một mặt làm bát phở nguội đi mất cả ngon, mặt khác khiến ta không cảm được cái vị thực sự của nước dùng mà lão chủ quán vẫn khoe khoang là “ngon nhất Hà Nội”. Ngon nhất Hà Nội tức là ngon nhất thế giới đấy!


Lại nói, phở từ Hà Nội theo chân những người di cư năm 1954 vào Sài Gòn và đã lập tức chinh phục khẩu vị vốn dễ dãi ba phải của người miền nam. Phở được biến tấu tùy theo khẩu vị ảnh hưởng theo sở thích của những người bán hàng là dân bản địa. Món phở khi nhập gia cũng phải tùy tục là gia giảm rau tương giá sống hành trần nước béo cho phù hợp khẩu vị nên đã được người dân phương nam chấp nhận và tán thưởng. Phở còn góp phần tái tạo nguồn năng lượng sức khỏe cho giới thợ thuyền, còn là nguồn cảm hứng lao động, đối với giới phu xe xích lô thì có món lương trân gì hơn được bát phở lúc đói lòng trong khi vất vả ngược xuôi bôn ba kiếm sống hàng ngày:

- … những bác phu xích lô, ba bánh, kiếm đồng bạc khó khăn, coi bữa phở như một đại tiệc. Thế nào bác ta cũng phải củ vào túi áo một nửa xị đế và một khúc bánh mì. Ực một ngụm rượu, đưa cay bằng gắp bánh phở với chút thịt, phải ăn từ từ để ngẫm nghĩ cái ngon, cái thơm, cái bùi, cái béo. Bẻ miếng bánh mì chấm vào nước phở ăn cho đủ no vì tiền đâu mà gọi tô nữa, lấy làm vô cùng mãn nguyện, xe lăn bánh ào ào!

Tài thật, đọc những dòng văn tả của cái nhà ông Phan Nghị, nhà cháu đoan chắc những người đã sinh sống tại Sài Gòn thời điểm những năm tám mươi tám mấy thế kỷ trước hẳn ai cũng từng quen với cảnh như vừa nêu trên.

alternative text
Tổng kết lại, ngoài món phở thì có món ăn nào mà có thế khiến người ta tốn lời, tốn giấy mực để mà ca ngợi mãi không thôi như vậy.

Có thể có ai đó cho rằng nhà cháu võ đoán khi quả quyết phở là món thuần Việt, nhất là cái nhà ông nhà văn Tô Hoài, ông ta từng tuyên bố chắc nịch :

- Nguyên chữ "phở" gốc xuất phát từ người Trung Quốc, nhưng cách đây mấy năm tôi có đi Quảng Châu ăn phở thì tồi quá, không nuốt được. Người Việt mình đã từ món "rất xoàng" của Trung Quốc chế biến thành món rất ngon, thậm chí trở thành món ăn truyền thống.

Theo nhà cháu đọc trên mạng Internet thấy lời của nhà ông Vũ Thư Hiên kể rằng:

- Khi bay qua Bắc Kinh tôi được ăn phở Tầu do đạo diễn kiêm nhà văn Ngô Y Linh thết. Ngô Y Linh, tức là Nguyễn Vũ về sau này, hồi đó đang học trường kịch nghệ Bắc Kinh. Trong cái quán lúp xúp gần chợ tầm tầm Đông Tứ (Tung Sư), người ta dọn cho tôi một bát phở lõng bõng, phở thịt lợn chứ không phải phở thịt bò, bánh thì to bản giống bánh canh miền Nam, không rau thơm, không hành hoa, hành củ, không ớt tươi, không chanh cốm, bên trên lềnh bềnh mấy lá hẹ dài ngoẵng. Vị nước dùng của phở Tầu nhạt thếch, hoàn toàn không giống vị phở Việt. Ngô Y Linh nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại rồi an ủi tôi rằng chữ phở là do anh đặt, ăn cho đỡ nhớ, chứ tên món ăn này khác, anh nói tên nó cho tôi biết, tất nhiên bằng tiếng Tầu, tôi nhắc lại rồi quên ngay lập tức. Anh lại nói tôi đang được hân hạnh làm quen với tổ tiên của phở đấy, thứ phở này có trong lịch sử Trung Quốc từ đời ông Bành Tổ kia, ở Trung Quốc có rất nhiều loại phở, đa dạng lắm, chắc hẳn phở của ta là con cháu nó lưu lạc xuống phương Nam…

Đến đây thì nhà cháu đã hiểu thế nào là cái món phở Tàu mà nhà ông Tô Hoài đã nói. Cũng giống như nhà ông Ngô Y Linh nọ, cái nhà ông Tô Hoài cũng tự cho rằng cái thứ "...một bát phở lõng bõng, phở thịt lợn chứ không phải phở thịt bò..." của ông Vũ Thư Hiên đó là món phở của Tàu… và là nguồn gốc của phở Việt Nam (?)

Vậy thì nhà cháu hẵng xin hỏi ông Tô Hoài và cũng xin hỏi luôn cả cái nhà ông ngô Y Linh nào đó rằng Trung Quốc có chữ “bánh cuốn” không ạ?

Nhà cháu hẵng xin hỏi ông Tô Hoải và cũng xin hỏi luôn cả cái nhà ông Ngô Y Linh rằng Trung Quốc có món bún xáo trâu không ạ?

Nhà cháu hẵng xin hỏi ông Tô Hoài rằng cứ theo lời ông nói thì chữ gừng nướng người Tàu có không? Chữ rau thơm (rau sống) người Tàu viết thế nào?

Nhà cháu tưởng chả nhẽ chỉ vì sự liên tưởng rồi tự ý đặt tên vớ vẩn cùng võ đoán chủ quan vô căn cứ của ông Ngô Y Linh mà phở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc?

Nhà cháu tưởng chả nhẽ chỉ bằng vào mấy câu nói vu vơ của cái nhà ông Tô Hoài mà phở Việt Nam lại là có nguồn gốc Trung Quốc?

Nhà cháu đây không thể chỉ căn cứ vào lời nói của nhà anh Cồ Cừ, một cây đại thụ trong làng phở của Hà Nội hiện nay đâu nhé, nhà anh Cồ Cừ đó in hình là người gốc Nam Định, nghe nói anh ta theo cha mẹ bán phở ở Hà Nội từ năm 13 tuổi, anh ta nói:

- Theo các cụ ngày xưa kể, thì phở không phải là xuất xứ từ người Tàu. Nó từ các gánh quà bán bánh đa cua, thịt lợn rồi dần dần là thịt bò…

Lại theo tìm hiểu của nhà văn hóa Vương Hồng Sển thì:

- Trong quyển gia-chánh "Nữ-công thắng-lãm" của Hải-Thượng Lãn Ông Lê Hữu-Trác (1720-1791), viết vào năm 1760, không có nói đến phở.

- Trong hành-trình đến Việt-nam từ 11/01/1884 đến 19/04/1886 của Bác-sĩ Hocquard, tường-thuật lại rất cặn kẽ cách ăn nếp ở của người dân ta trong"Une campagne au Tonkin", nhắc đến cả mắm tôm, nhưng chẳng có một lời nói đến món ăn có tên là phở cả.

alternative text

Nhà cháu được biết rằng một trong những nguyên liệu quan trọng bậc nhất để góp phần làm nên nồi phở là con sá sùng khô, thứ này thì các chú chệc Quảng Tây tìm mua để bỏ vào cho ngọt nồi nước dùng mà bán mì (mỉn)

Nhà cháu xin có nhời thế này ạ:
1/- Cả ngàn năm nay, chú chệc đã theo chân lính Tàu mà qua sinh sống bên xứ mình.
2/- Cùng với chú chệc là các món ăn Tàu sủi cảo, xíu mại, há cảo, bánh bao, mì hoành thánh (vằn thắn) và mì xá xíu cũng nhập hộ khẩu Việt Nam.
3/- Trong các món vừa kể thì có mì xá xíu, sủi cảo và mì vằn thắn là món ăn phải chan nước dùng.
4/- Thế nhưng nhà cháu từng ăn mì xá xíu và mì vằn thắn do người Tàu bán thì thấy nồi nước dùng của chú chệc là được nấu bằng xương heo. Riêng người Tàu Chợ Lớn ở Sài Gòn còn không biết con sá sùng là cái giống gì nữa kìa. Năm xưa nhà cháu từng ăn hủ tiếu mì sườn heo ngon tuyệt của ông già Tàu bán trong quận 11 ở Sài Gòn, tô hủ tiếu mì sườn còn có một ít lá hẹ cùng một lá xa-lat xé làm ba. Và nước dùng để chan cũng được nấu bằng xương heo mà cho bột năng để trở nên sền sệt. Nói thêm, ở Sài Gòn không thấy tiệm ăn Tàu nào có bán món sủi cảo tôm tươi, chỉ vài năm gần đây mới có một tiệm từ Hà Nội vào bán tại căn phố gần ngay ngã tư Passteur – Nguyễn Đình Chiểu (hay Võ Văn Tần?) quận 3.

Vẫn cái nhà ông Vũ Thư Hiên nọ trong lúc ra sức quảng bá cho món phở cá gì gì đó của quê nhà ông ta thì ông ta cũng hời hợt nhắc tới phở trâu phở bò như sau:

- Ngày xưa người ta không chuộng thịt trâu, các cụ lang kêu thịt trâu lạnh, ăn dễ sinh bệnh. Hơn nữa, con trâu là đầu cơ nghiệp, chẳng ai bỗng dưng vật trâu ra mà giết. Chỉ những con trâu sa hố gãy chân, hoặc trâu từ mạn ngược đưa về ngã nước mới bị làm thịt. Lại cũng theo lời khuyên của các ông lang, trâu có màu đen, thuộc âm-lạnh, làm món ăn thịt trâu thì phải cho gừng tươi (sinh khương) vào cho nó khắc cái lạnh ấy, thành thử nước phở thịt trâu hiếm hoi ngày ấy (thỉnh thoảng cũng có) bao giờ cũng có nhiều vị cay của gừng. Bò thường không có bò đen như trâu, nhưng cho đến nay phở bò phải có gừng, ấy là nó mang cái vị truyền thống của phở trâu, hẳn vậy.

Nhà cháu căn cứ vào tìm hiểu của mình nên dám cả quyết rằng món phở tuy có ảnh hưởng cách nấu món ngầu nàm của người Tàu, bằng chứng là sự hiện diện của hồi quế đinh hương trong nồi phở, thế nhưng bánh phở thì dứt khoát phải là từ món bánh cuốn của người Việt. Củ gừng nướng là do thừa hưởng từ gánh bún xáo trâu. Rốt cuộc thì phở vẫn phải là có nguồn gốc từ món bún xáo trâu của ông bà ta, tức là của người Việt vậy.

Nghe nói ở ngoài nước, bà con ta khi có dịp là mời bạn bè ngoại quốc để khoe, cùng là giới thiệu món phở của Việt Nam ra thế giới. Còn cả hàng vạn người gốc Việt tự nhận mình là tín đồ trung thành của đạo phở.

Một chút so sánh qua hình ảnh :
1/- Phở Hà Nội:
alternative text


2/- Phở Hà Nội biến tấu ra phở Sài Gòn:
alternative text


3/- Phở Quế Lâm của Tàu :
alternative text

-----------


Nói cho lắm, nước mắm dưa cải
Nói cho phải, dưa cải nước mắm.

Ấy thế mà nhà cháu vưỡn cứ phải nói, này nhé :

Cái món “bốc mả” trong nồi phở mà các ông Nguyễn Tuân, Vũ Bằng có nhắc đến :

- Người ăn phở miền bắc xưa gọi là món bốc mả, cái này thì phải là ai từng chứng kiến người ta bốc mả mới hiểu được. Người chết chôn sau ba năm thì đào mở nắp áo quan ra, dưới hố lõng bõng nước ngập mắt cá chân, người ta vớt từng miếng xương người quá cố đưa lên cho người ở trên rửa sạch bằng rượu, sau đó lau khô rồi bỏ vào quách mang về nhà mà thờ.
Như thế gọi là bốc mả.

- Người miền nam quen gọi là xí quách thì theo nhà cháu biết là sai, vì món đó nếu theo tiếng Tàu Quảng Đông thì phải là ngầu quách (xương bò) vì xí quách là nói trại của chí quách, là xương lợn (heo) mà ra. Tức là sai rồi. Tuy nhiên nếu là hủ tiếu của miền nam thì ta gọi một tô hủ tiếu xương thì sure là đúng là xí quách.

- Bởi sự dễ dãi mà người nam chấp nhận ăn phở do người bán không biết tẩy xương cho khéo mà nấu nên luôn bị nồng mùi gây gây của bò. Khi bán thì phải kèm rất nhiều rau húng quế húng cây, ngò gai, ngò ôm… tùm lum đủ thứ mùi. Lại còn thêm tương đen tương đỏ để ăn khách cho đỡ ngán, cho thấy ngon… rồi bảo đó là phở nam.
Vậy thì còn cần gì tới mùi thơm đặc trưng tỏa ra từ của bát phở bò nấu theo kiểu truyền thống Hà Nội. Để hòa quyện mùi thơm của thịt bò là hành hoa thái nhỏ, thêm vài lá húng láng (loại rau húng đặc biệt chỉ trồng được ở làng Láng), lại cả vài khoanh hành tây ngâm dấm gạo điểm thêm vài cọng gừng thái chỉ. Hu hu…

Mưu đồ thâm hiểm…


Như một quy luật, gần đây, cứ mỗi khi ở trên mạng Internet Việt Nam dấy lên phong trào chống đối bọn bành trướng bá quyền ngoại xâm Trung cộng thì luôn có sự chống phá từ phía bọn Việt gian.

Còn nữa, cứ theo như lời bà Bảy vân đã nói "cái gì lãnh đạo mình hướng dẫn thì nên làm theo, chứ còn thanh niên tự ý đi chống lại cũng không có kết quả gì" .

Hơn thế nữa, không những không có kết quả gì mà theo lời của GS Nguyễn Huệ Chi thì còn là chỉ vì "yêu nước không xin phép vì họ cứ nghĩ rằng yêu nước là quyền thiêng liêng trong lòng nên không xin phép thì họ bị mang đi hỏi cung liên tục và bắt vào nhà đá chín ngày."

Lại nói, sự chống đối của bọn phản động lần này cụ thể như sau :

- Tên Việt gian Đào Duy Quát vốn là gián điệp của Trung cộng, chịu sự chỉ đạo của Trung cộng cùng các thế lực phản động thù địch chui vô hàng ngũ của ta để âm thầm thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình:, do thực hiện tốt chiến thuật "luồn sâu leo cao" mà dần dần tên Quát đã leo lên tới cương vị phó trưởng ban Tuyên giáo TW kiêm tổng biên tập báo điện tử của Đảng. Để phục vụ cho mưu đồ bá quyền bành trướng của quan thầy nên y cùng đồng bọn đã sử dụng chính tờ báo cơ quan Trung ương của Đảng ta để đăng lại bài báo của Trung cộng, thâm độc nhất là tên Quát cùng đồng bọn lợi dụng việc được giao quyền quản lý tờ báo chính thức của Đảng để rồi sử dụng chính tờ báo làm phương tiện tuyên truyền phục vụ lợi ích của bè lũ bá quyền Trung cộng, làm mất sạch uy tín của Đảng đối với nhân dân cả nước và khiến các bạn bè quốc tế hiểu lầm nghiêm trọng.

Cần nói thêm, do ta rất sáng suốt nên đã biết tên Quát là tay chân của các thế lực thù địch từ lâu, nhưng do chính sách nhân đạo, ta quyết định dùng biện pháp cảm hóa nên chỉ nhắc nhở bằng cách cho tên Việt gian này thôi giữ chức phó ban Tuyên giáo TW từ 1/1/2008, đồng thời vẫn cho tên Quát làm tổng biên tập báo điện tử của Đảng để tạo điều kiện cho hắn lấy thành tích chuộc lỗi lầm.

- Tên Việt gian Đào Duy Quát với bản chất phản động cõng rắn cắn gà nhà, hắn đã không chịu hối cải mà còn ngoan cố tiếp tục câu kết cùng đồng bọn và bọn chúng đã thực hiện thành công âm mưu thâm độc là đăng trên tờ báo điện tử của Đảng bài “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông”, tên Quát chủ mưu đăng lại tin của hai tờ báo lá cải của Trung cộng mang tên Hoàn Cầu và Phượng Hoàng.

- Qua việc làm này tên Quát cùng đồng bọn đã cố tình phủ nhận chủ quyền của nước Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên sau khi bài báo được phát tán, tên Quát cùng đồng bọn bị hàng triệu Bloger trong và ngoài nước đồng loạt ùn ùn lên tiếng phản đối, thiên tới tấp điện thoại tới yêu cầu ban biên tập giải thích tại sao tờ báo là tiếng nói chính thức của Đảng lại đăng bài với mục đích tuyên truyền cho lũ bá quyền Trung cộng xâm lược.

- Hoảng hốt trước làn sóng giận dữ cũa bà con, ngày 19/9/2009, tên Việt gian Đào Duy Quát vội vã cho đăng Lời xin lỗi và cảm ơn bạn đọc nhằm chống chế trước búa rìu dư luận.

alternative text
tên Việt gian Đào Duy Quát

Nghe nói từng theo dõi vụ này từ đầu, và nay bác Ba Phi nổi giận đùng đùng, khơi khơi mà ổng gọi điện lớn tiếng với thằng tui rằng ”Qua dám cá hơn tám mươi mấy triệu ăn một rằng tên Việt gian Đào Duy Quát 100 % là gián điệp của Bắc Kinh được cài từ lâu vô hàng ngũ của ta rồi luồn sâu leo cao cuối cùng là để thực hiện theo lệnh của quan thầy của y xuyên tạc lịch sử để công nhận việc ăn cướp giết người của quân Trung cộng xâm lược”.

Bác Ba Phi còn có ý kiến đề nghị rằng lực lượng an ninh tài giỏi của ta phải lập tức bắt, khám xét khẩn cấp tên gián điệp nguy hiểm Đào Duy Quát này đặng có mang ra tòa mà xử hắn theo hai tội danh, thứ nhất là “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ Luật hình sự, thứ hai là “Tội phản bội Tổ quốc” quy định tại Điều 78 Bộ luật Hình sự nếu có chứng cứ xác định tên Quát cùng đồng bọn đã câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trương Long Triệu Hổ hãy y lịnh mau bắt trói tên Quát nhốt vô đại lao ngay tắp lự chớ chậm trễ.
Uy…y…y…y…y…Vũ… ũ… ũ… ũ….

Xét cho cùng thì bà Bảy Vân cũng tốt bụng đó chớ, vì bả quá rành và chắc cũng là tội nghiệp đám thanh niên nên đã mượn đài BBC để đưa ra lời cảnh báo nhắc nhở nhưng vì lũ nhỏ hăng tiết vịt hỏng chịu nghe lời mà cứ nhứt định yêu nước hỏng thèm xin phép nên mới lâm cảnh như mấy đứa nguoibuongio hay blog mẹ nấm chi đó.

Ô hô.

Ông già gân Ba Phi in hình tức tối lắm hay răng khi không ổng gọi điện la quá khiến thằng tui càng nghe càng ngu ngơ muốn điếc con ráy mà... hỏng hiểu chi hết trọi. Hic

Nghe bác Ba Phi nói chuyện

alternative text
Bữa hổm khi bác cháu rảnh ngồi uống trà chơi, bác Ba Phi hỏi chú em mày có coi BBC Vietnamese ngày 22/9/2009 hông dzậy, tui trả lời dạ có chớ bác Ba, từ ngày ông Tổng Biên Tập Dũng của báo Đại Đoàn Kết Online bị cách chức thì con hỏng còn biết coi báo nào nữa… hàng ngày chỉ miễn cưỡng mở VnExpress ra mà coi giết thời giờ thôi hà, coi tờ đó với tờ “Bóng đá” nữa bác Ba ui.. Bác Ba Phi gật đầu nói thì dưới này qua cũng dzậy, ngoài BBC Vietnamese ra qua còn vô trang Blog ô sin coi chơi nữa.

Hai bác cháu còn nói lan man với nhau nhiều chuyện lắm mà tui không nhớ hết, chỉ nhớ đuọc rằng bác Ba Phi giải thích cho tui hiểu về bài viết nói tới cuộc phỏng vấn cha nội Gorbachev rằng :

- Mikhail Gorbachev là viên đầu lĩnh trại chủ của đám lâu la cộng sản toàn thế giới. Gã Gorbachev này cũng là người đã biết tội nên mặc dù đang ở ngôi cao chót vót nhưng đã tận dụng vị thế đại ca thế giới đỏ để chủ trương thủ tiêu chủ nghĩa cộng sản, xóa sạch các chế độ độc tài phản động tại Đông Âu rồi thiết lập chế độ tự do.

Do sự ăn năn hối cải với nhân dân và chính nhờ những sách lược tài ba khéo léo mà Mikhail Gorbachev áp dụng đã đưa đến các cuộc cách mạng hồi năm 1989 dẫn đến sự diệt vong hoàn toàn của các chế độ độc tài dưới chiếc vỏ bọc mỹ từ Chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện cho dân chúng đang rên siết dưới gót dày tàn bạo vùng dậy xử tử mấy tên bạo chúa lãnh tụ công sản ở các nước Đông Âu.

Thằng tui ngồi nín lặng nghe bác Ba Phi hào hứng say sưa thao thao bất tuyệt mà… hỏng hiểu chi hết trọi.

Mở gian hàng trực tuyến miễn phí

Đó là trang http://shop.ipvnn.com/home/register.asp. Bà con hãy vô và tạo cho mình một trang bán hàng hoặc nếu không thì là trang để giới thiệu sản phẩm của mình rất tiện lợi và hoàn toàn miễn phí.

Tui đã để ý và thấy lưu lượng người truy cập mỗi ngày vô trang này rất nhiều. và người truy cập vô trang này để mở gian bán hàng trực tuyến hay PR mặc dù không thống kê mà tui thấy chỉ từ tối khuya qua sau khi tui mở cửa hàng thì tiếp đó tới giờ đã có hai mươi mấy cửa hàng đã được mở.

Số người vào xem trang của tui từ khuya hồi hôm tới lúc này là 11 giờ ngày thứ hai 21/9/2009 cũng khoảng 400 chớ không ít.

Thiệt thích hợp để bán hàng tực tuyến hoặc quảng bá.

Tui từng tìm tòi mất rất nhiều thời gian trên mạng Internet để lấy code mở gian bán hàng trực tuyến và thấy mấy đơn vị thiết kế đòi giá hơn mười triệu đồng để thiết kế cửa hàng trực tuyến cho đơn vị hay cá nhân có nhu cầu.

Ở góc độ cá nhân tui xin hoan hô và cám ơn những người chủ trương thực hiện trang http://shop.ipvnn.com/home/

Xin chia sẻ cùng bà con.

Lexus GS350 2008: Điều mới mẻ trong sự quen thuộc





Verdigris Mica Lexus GS350 là một trong những dòng ôtô mui kín tốt nhất mà chúng ta đã và đang lựa chọn trong một thời gian dài. Mẫu Lexus thể thao này được trang bị với những tiêu chuẩn về hiệu suất và sự thoải mái mà không có bất kỳ một hãng sản xuất xe hơi nào sánh kịp nếu sản xuất với cùng một mức giá tương tự.

Với chỉ trên $45.000, phiên bản Lexus GS 350 là một mẫu xe khá đáng đồng tiền bỏ ra. Ở phiên bản này người ta bắt gặp một sự hài hòa cả về phong cách và tính chất sang trọng mà mẫu xe toát ra.

Thân xe được trang hoàng với những đường nét mui xe chắc chắn và lôi cuốn cho đến những chi tiết tỉ mỉ như đèn phía trước HID và dấu ấn crôm trong nội thất xe. Trong khi đó, bánh xe chung quanh hợp thời trang với bộ vành kích thước 17 inch. Hai bên thành xe Lexus đặc trưng với kiểu dáng thanh nhã và những chiếc ghế bọc da mềm mại.

Mẫu GS350 được trang bị bởi động cơ dung tích 3.5 lít V6 sản sinh ra mã lực 303HP truyền thẳng tới hệ thống bánh sau qua bộ truyền động điều chỉnh hiệu suất cao, khi được kết hợp với hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp và van biến thiên không ngừng khiến cho xe có được vòng quay vận tốc là 19 MPG khi chạy trong thành phố và 27 MPG khi chạy trên quốc lộ.

Một số hình ảnh khác về phiên bản:









(Sưu tầm)

Bắc kỳ...

Lại nói, thằng tui từ Hanoi theo cha mẹ vào định cư tại Saigon từ tháng 3 năm 1976 khi 14 tuổi.

Hồi đó 1977 đi học trường Dân Việt ở đường Ngô Tùng Châu (sau đổi là đường Lê Thị Riêng) quận nhất, thằng tui từng một mình đánh lộn với cả đám nam sinh người Nam trong lớp vì lý do bị chúng ném phấn mà chửi “ Bắc kỳ ăn cá rô cây, ăn nhằm lựu đạn chết cha bắc kỳ”.

Học hành thì phải nói tới học sinh, sau khi từ ngoài Bắc vô Nam, đã đi học tại Saigon trong những năm 1977 - 1979 tui từ thực tế bản thân mà có nhận xét rằng :
A/- Học sinh miền Bắc :
- Vô lễ trong cư xử với thầy cô giáo
- Thường xuyên chửi và có trường hợp còn chận đánh thầy giáo.
- Nhảy tàu điện móc túi, kết bọn đánh nhau từ lớp 5 là cấp 2.
- Đánh lộn đâm chém từ khi lên lớp 8 là cấp 3. Kết bè đảng gọi là hội này nọ đi trấn lột đâm chém.
- Thời trước 1975 về trước nổi tiếng trộm cướp đâm chém giết người là đám học sinh miền Nam trường Nguyễn Văn Trỗi, vì cha hay mẹ tụi nó đã chết trận hoặc đang bán mạng ở miền Nam vậy nên khi tụi nó phạm tội thì chánh quyền miền Bắc thường làm lơ giả điếc cho qua.
- Hân hạnh là một học sinh dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa sống trong xã hội thế giới đại đồng tươi đẹp nên thằng tui cũng từng kết bọn rồi đánh lộn; nhảy tàu điện; vờ chen lấn xếp hàng để móc túi lấy tiền và tem phiếu của các đồng chí người lớn.

B/- Học sinh miền Nam :
- Rất lễ phép với thầy cô giáo.
- Các thầy giáo ở miền Nam đánh học trò rất dữ.
- Có bữa trong lớp có thằng học sinh do nói chuyện bị thấy giáo ném phấn nhắc nhở mà không chịu thôi, thế rồi nó bị thầy giáo đánh túi bụi từ trên ghế té nhào xuống đất mà nam sinh vẫn phải đứng dậy khoanh tay chịu đòn tiếp tục khiến thằng tui rất ngạc nhiên và bất bình nhào vô can thiệp chụp tay chỉ mặt cảnh cáo thầy giáo Lãm trường Dân Việt hồi 1977.
- Rất sợ các thầy giáo. Từ trường Đồng Xoài (nay là trường Nguyễn Huệ) qua trường Nguyễn Bá Tòng (nay là Bùi Thị Xuân), nhiều lần tui chứng kiến khi các thầy đang ngồi nơi ghế đá trong trường, đám học sinh phải kiếm đường đi vòng để tránh đi qua mặt thầy giáo. Nếu bắt buộc phải đi qua thì kính cẩn cúi đầu khoanh tay chào rồi cúi đầu thiệt thấp mà đi qua.
- Riêng vụ đánh lộn đâm chém thì tui chưa thấy ở những trường tui từng học thời điểm đó tại Saigon. Năm 1979 – 1980 chuyển về học tại thị xã Thudaumot tỉnh Songbe tui thấy mấy thằng con chủ tịch xã xách súng của ông già nó đánh lộn tùm lum con người ta.

Nội nhiêu đó đã đủ hiểu khỏi cần nói thêm về sự giáo dục của hai miền hồi trước bảy lăm và từ sau bảy lăm tới giờ.

Cần nói thêm, hồi năm 1976 thằng tui từng coi cuốn Giáo khoa thư là sách giáo khoa của mấy chế độ cộng hòa miền Nam trước đây và thấy thiệt hay, chớ không nặng tuyên truyền chánh trị một chiều như sách giáo khoa của miền Bắc tui từng học.

Bắc kỳ, câu nói mà hồi 1976 tui coi là câu miệt thị thì hóa ra là có thiệt.

Việt Nam mình từng chia ra làm 3 kỳ là Bắc kỳ (Tonkin), Trung kỳ (Annam) và Nam kỳ (Cochinchine), sau vua Bảo Đại đổi là Bắc phần, Trung phần và Nam phần.

Tuy nhiên hồi đó mộ tbộ phận người nam kêu đám dân bắc di cư là “dân bắc kỳ” với hàm ý miệt thị thiệt rõ ràng.

Năm 1976, tức là cách nay 33 năm, phuongngugia tui còn nhỏ đã chửi lộn đánh lộn với đám nam sinh người nam về vụ bắc - nam. Giờ đây tụi nhỏ không những vẫn vậy mà chửi còn ghê hơn, không hiểu do nguyên nhân kỳ thị hay do nền giáo dục yếu kém cùng môi trường xã hội băng hoại suy đồi đạo đức?

Và đây, xin trích đăng bài của tác giả The Moon, hãy đọc để hình dung khái quát môi trường xã hội ở miền bắc trước năm 1954 đã sản sinh ra con người thế nào. Và môi trường xã hội ở miền nam trước năm 1975 đã sản sinh ra con người thế nào.

Rắn biển


Chiều cuối tuần rồi, phuongngugia tui đi Phước Tĩnh (Bàriavungtau) và được ăn thịt của con đẻn biển là thứ trong hình này.

Thằng tui nào giờ đâu khi nào khơi khơi ăn thử món này nọ vậy mà nay ăn thịt con đẻn biển xào xả thì thấy thịt dai và ngọt lạ thường, tui kêu lột da làm sạch sẽ hai con để mang về làm quà cho anh em. Sợ mất tươi mà tui chạy về liền trong đêm. 23 giờ ngày thứ bảy 12/9/2009 từ thị trấn Phước Tỉnh về tới Bình Dương thì đã 1h10 phút rạng sáng ngày chúa nhựt 13/9/2009, hai con đẻn (rắn biển) tươi rói vừa làm sạch sẽ được ướp đá cục gói cẩn thận khi về là cho liền vô tủ cấp đông.

Sáng ngày tui dặn người nhà mang hai con đẻn rã đông rồi đi ăn sáng, sau khi đi ăn sáng rồi về nhà, thằng tui kêu điện thoại qua nhà ông đàn anh Út P. mà biểu anh ơi từ ngày anh hết mần chủ tịch mà ở nhà thì em biết anh ít đi đó đây, hồi khuya em từ Phước Tỉnh mang về hai con đẻn biển làm sạch còn tươi nguyên, em nghĩ thứ này là của hiếm nên lật đật mang về biếu đặng đàn anh đưa cay vậy anh nhận cho em út vui lòng nhen. Ông thầy đẩy đưa vài câu vậy a, sao mày mất công quá dzậy. Tui biểu người nhà bỏ bịch mà xách hai con đẻn qua biếu đàn anh, lại biểu nhớ kêu ổng dặn người nhà bỏ mấy con đó vô cối xay thịt mà xay cả xương cả thịt, sau đó ướp gia vị nêm nếm rồi nhồi trở vô bộ da của nó, cột lại mà chiên cho vừa chín sau đó bỏ vô xửng mà hấp cùng ít cọng hành, vài lá rau răm thì ra một món tuyệt cú mèo người Việt mình ít biết cách làm mà ăn.

Lại nói, thằng tui chỉ là nghe mấy đứa em mà nói đại, sau đó mở máy vô Google rồi seach chữ rắn biển thì mới biết trong hàng tá loại rắn biển thì đẻn là một trong ba loại quý vì được dùng để làm thuốc…

Tui gọi điện ra Phước Tĩnh biểu tụi bay để tao mua thứ khác cho nhậu, bữa nào đi biển về mà có đẻn thì kêu anh, tao ra mang năm ba con zìa mần quà nhen hôn. Trong này thứ đó hiếm lắm.

Bài thuốc dưới đây là tui sưu tầm trên mạng :
Vị thuốc từ Rắn Biển

Rắn biển có tên khác là đẻn biển, đẹn, hèo, có rất nhiều loài, nhưng chỉ có vài loài được dùng làm thuốc phổ biến như đẻn khoanh (Hydrophis cyanocinctus Daudin), đẻn vết (Hydrophis ornatus Gray) và đẻn cơm (Lapemis hardwickii Gray).

Theo kinh nghiệm dân gian, rắn biển có giá trị sử dụng cao trong thực phẩm và y dược. Thịt rắn biển được chế biến như sau: Bắt rắn về, rửa nước cho sạch. Buộc đầu rồi treo lên hoặc ghim đầu vào một tấm ván, cầm đuôi kéo căng mình rắn, lấy dao sắc rạch một đường từ cổ họng xuống đến tận đuôi. Bỏ phủ tạng chỉ giữ lại mật và lớp mỡ. Rửa sạch máu ở mình rắn bằng cồn 900 (không rửa nước) rồi phơi hoặc sấy khô. Nếu muốn lấy tiết thì trước khi buộc hoặc ghim rắn, cầm đầu rắn, cứa đứt động mạch cổ cho máu chảy ra, hứng lấy tiết để riêng. Thịt rắn biển chứa: protid và nhiều acid amin như arginin, cystin, cytein, corin, glycin, isoleucin, leucin, lysin, histidin, acid glutamic, ornithin, hydroxyprolin, treonin, tyrosin, valin. Nhân dân Việt Nam và nhiều nước châu Á khác thích ăn thịt rắn biển vì rất ngon và bổ dưỡng. Dược liệu, tên thuốc là hải xà nhục, có vị mặn, mùi tanh, tính ấm, có tác dụng tăng trọng và chống viêm rõ rệt, đặc trị viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa và đau cột sống, viêm thần kinh tọa. Dạng dùng thông dụng nhất là rượu ngâm từng loại hoặc hỗn hợp 3 loại: rắn khoanh, rắn vết, và rắn cơm, với tỷ lệ một phần thịt rắn với 3 phần rượu 400, ngâm trong 15-20 ngày, càng lâu càng tốt. Có nơi người ta còn chôn cả bình rượu rắn xuống đất để hàng năm mới dùng. Mỗi ngày uống 20ml sau bữa ăn chiều. Hoặc nấu thịt rắn lẫn xương với 3 lần nước rồi cô thành cao sền sệt (cao toàn tính). Ngày uống 5-10g hòa với rượu hâm nóng và ít mật ong. Cũng có thể lấy thịt và xương rắn biển sấy khô, tán bột, rây mịn, rồi làm thành viên mà uống. Thuốc được dùng trong thời gian dài, không gây tác dụng phụ, giảm viêm, giảm đau nhanh, giúp bệnh nhân ăn ngủ tốt, tăng cân. Mật rắn biển (hải xà đởm) chứa acid mật và nhiều chất khác như trong mật của các rắn ở cạn, có vị hơi ngọt, đắng, có tác dụng chống viêm, giảm đau, an thần, gây ngủ. Dùng riêng hoặc chế thêm vào rượu rắn mà uống. Tiết rắn biển (hải xà huyết) mới hứng được, pha với rượu và chất thơm, uống chữa thiếu máu, chóng mặt, đau lưng, nhức xương. Người bị bệnh tăng huyết áp không được dùng. Mỡ rắn biển (hải xà cao) rán lấy nước, bôi chữa bỏng như các loại mỡ động vật khác.
(DS. Đỗ Huy Bích)

Vịnh Phong Nha ở Nha Trang (?)

Chương trình trò chơi chung sức tối ngày 15/9/2009... khi MC Tạ Minh Tâm đọc câu hỏi về các vịnh đẹp ở Việt Nam, đội Mèo Đen đáp tụi em quyết định là vịnh bắc bộ, còn đội kia thì trả lời là vịnh Phong Nha ở Nha Trang (?)

Thằng tui theo dõi nhiều trò chơi truyền hình và có nhận xét như sau, nếu thì sinh tham gia trò chơi là thành phần sinh viên học sinh đang theo học trong các trường thì câu trả lời thường sai ít. Còn nếu là các thành phần khác thì hầu hết đều chứng tỏ kiến thức quá kém về mọi mặt.

Một điều chung nhất là ở các gameshow, nếu các câu hỏi thuộc về lãnh vực ca nhạc thời trang cùng tên tuổi và đời tư của người mẫu ca sĩ vân vân thì các thì sinh tham gia giành nhau trả lời và thường là đúng, Còn các lãnh vực khác thì đại đa số đều mù tịt mà trả lời lung tung sai bét nhè.

Và nếu câu hỏi thuộc về lãnh vực cần phải tham khảo từ sách vở thì một trăm phần trăm thí sinh không trả lời đúng. Tụi nhỏ ngày nay sau khi rời trường lớp có vẻ như rất xa lạ với cuốn sách và thư viện.

Không tin cứ theo dõi thì biết chứ gì.

Với mớ kiến thức kém cỏi như rứa mà nhiều đứa sau này trở thành đảng viên cộng sản để làm ông nọ bà kia chỉ đạo điều hành đất nước xã hội chủ nghĩa này thì bỏ bu lũ con dân rồi chớ còn chi.

Chỉ là phần nổi…

Doanh nghiệp vận tải nào cũng có những chuyện như báo Tuổi Trẻ đăng ngày 15/09/2009, thức đêm mới biết đêm dài. Có làm nghề vận tải mới hiểu được để công việc suông sẻ thì phải mặc nhiên chấp nhận những khoản chi phí bất hợp lý như tác giả Bạch Hoàn viết trong bài báo.

Và, nhà báo cũng chỉ là nhìn thấy, nghe thấy và viết được những gì thuộc về bề nổi của tảng băng trôi. Tuy nhiên qua đó chắc hẳn bà con nào quan tâm cũng sẽ hình dung đươc phần nào những nhiêu khê của việc vận tải hàng hóa nói chung và vận tải Container nói riêng.

Bá tánh hãy theo dõi loạt bài phóng sự Oằn lưng cõng phí không tên này để thông cảm cho doanh nghiệp vận tải tụi tui nhen.

Cũng là dùng tay


Hỏng biết ông nhà văn nhà thơ nào đó lúc ngẫu hứng nhả ngọc phun châu mà ra câu danh truyền :
   Thịt gà cơm nếp đàn bà,
   cả ba thứ ấy đều là dùng tay


Vậy chớ tui được biết xứ Nghệ An có món bún ruốc thì cũng dùng tay mà ăn mới ngon vậy, hãy xem trích dẫn từ trang web của huyện Diễn Châu nà : “Ăn bún ruốc cũng là một thú quê của người dân Nghệ. Bún được chế biến thành những lát dày, do nhiều sợi to quấn vào nhau, có khi là hai lát dính chặt khó gỡ ra được. Bát ruốc mầu đỏ au rắc lưa thưa những miếng ớt đỏ. Bạn có thể dùng tay cầm lát bún gập lại, quệt vào bát ruốc, ăn một cách ngon lành. Ăn không biết chán và đến no mới thôi”

Mới đây, phuongngugia tui mới có được vài món quê trong đó một can nhỏ mắm ruốc Nghệ An từ Nghi Lộc gởi vô. Sau khi ăn thử thì thấy:
- Màu sắc : Đỏ tương tự như màu mắm ruốc Huế
- Mùi : Tương tự như các loại mắm làm từ tép biển (tùy địa phương kêu là con ruốc, Nghệ An kêu là con khuyết)
- Vị : Mắm đã được ủ chua, vị mặn vừa ăn chớ không mặn như mấy thứ mắm khác. Lại có trộn ớt nên đã cay.

Tui nhận xét như ri :
+ Mùi vị tương tự các loại mắm tôm, mắm ruốc của miền Bắc và miền Trung
+ Đặc biệt đã có vị cay và chua, có thể dùng để ăn mà không cần chế biến thêm gì hết.
+ Khế chua đã ép hết nước rồi xé ra chấm ruốc Nghệ ăn nghe có vị lạ miệng rất ngon.
+ Một tay cầm chén ruốc, tay phải dùng đữa gắp bún rồi quệt vô chén ruốc mà ăn, kèm theo là khế chua. Nói theo dân Nghệ thì ngon thôi rồì. Tuy nhiên theo khẩu vị của tui thì cần thêm vài cọng rau quế, kinh giới, húng cây mới thiệt là dậy mùi thơm ngon.

Phuongngugia tui đã xong bữa rồi vậy mà khi người khác ăn mùi ruốc thoảng lên lại bắt thèm bèn ngồi tức cảnh sinh tình bằng trải nghiệm của riêng bản thânh mà há miệng nhả cóc phun ếch được vài câu như ri:

  Ruốc Nghệ
  Từ con khuyết mà thành
  Màu đó au
  Mùi thơm đặc trưng
  Ăn với bún
  Nhớ kèm theo khế
  Thêm vài lát ớt
  Một món xứ Nghệ
  Chấp nhận được
***
  Gái miền biển xứ Nghệ
  Môi đỏ
  Da trắng
  Cao ráo dài đòn
  Tính ngang bướng
  Nói năng không nhẹ
  Da thịt săn chắc
  Đậm hương biển
  Chấp nhận được

Xin gởi lời chia sẻ...

Qua báo chí thì được biết ngày 05/9/2009, xưởng sản xuất ở số 19C, QL 1B xã Bình An, huyện Dĩ An của moto Kiều bị cháy rụi, phuongngugia tui lập tức gọi điện hỏi thăm mà không liên lạc được, đành chờ theo dõi tin tức trên báo.

Công ty Moto Kiều cùng công ty Ngũ Gia đã làm ăn liên tục từ tháng 04/2004 tới tháng 12/2006. Sau đó Moto Kiều tiếp tục làm ăn với DNTN Võ Thị từ 2006 tới tháng 7/2008 thì mới chấm dứt hợp đồng.

Moto Kiều là một đối tác tin cậy đầy tiềm năng của phuongngugia. Xin gửi lời thăm chia sẻ tới chi Mai, anh Tòng, anh Cường cùng toàn thể cán bộ nhân viên của văn phòng 181 Nguyễn Văn cừ và văn phòng xưởng tại Dĩ An.

Còn nhớ, vào năm 2005. đài truyền hình Việt Nam, kênh VTV 1 có phát một chương khen tặng sản phẩm sơn nước do Moto Kiều sản xuất đã được một công ty xây dựng của Mỹ nhập khẩu sang Mỹ để sử dụng trong các công trình xây dựng.

Lại nhớ, có lần tại Nguyễn Văn Cừ, quận 5, tp/ Hồ Chí Minh, trước một số anh em cùng bán các cửa hàng sơn bên cạnh, anh Tòng của Mô tô Kiều từng chỉ vô mấy người chủ cửa hàng đại lý sơn Nippont, sơn Dulux mà nói với phuongngugia rằng anh Phương cứ hỏi ngay mấy anh này đi, coi họ nói sơn của họ đang bán tốt hơn hay sơn Moto Kiều tốt hơn thì biết liền chớ gì.

Tôi cũng từng nghe anh Nguyễn Trung Lập. đội trưởng Đội xây dựng số 7 của công ty Biconsi thuộc tỉnh Bình Dương nói rằng sơn Moto Kiều tốt lắm, ở Bình Dương chỉ xài cho nhà xây cao cấp thì mới xứng tầm chớ nhà cấp 4 mà xài thì uổng lắm...

Trong thời điểm khó khăn này, mong các bạn sẽ sớm vượt qua và công ty TNHH sản xuất sơn Moto Kiều Hoàng Sơn sớm hồi phục để tiếp tục phát triển.

Tên miềng ngầu pín hầy a...


Tìn cò Thòong thấy một cái tên miềng wấc tế miễng phí à… mà cái tên miềng coi pọ… hơi bị sốc co lo…, Thòong tò vò zô lanh ký thử a… hầy à… kết wả là sau mấy phúc lập tíc có một tên miềng lể xài liềng lơ. Hic hic, pà coong lào phái thì zô lanh ký li nha… ui da.

Hầy lo, lị “click” zô tên miềng ngầu pín lày của Thòong coi thử nà. wa…
http://www.phuongngugia.cu.to

Đang ký thiệt dễ
1/- Vô trang http://www.cu.to
2/- nhập tên mình muốn rồi bấm check kiểm tra có bị trùng tên với ai chưa
3/- Sau khi check mà không bị đụng với người khác thì sẽ hiện hàng chữ Click here to register it
4/- Sau khi “click” vô hàng chữ trên thì sẽ hiện ra cửa sổ mới để ta đăng ký. Hãy khai báo bình thường. Nhớ nhập địa chỉ e-mail có thiệt để kích hoạt tên miền
5/- Mở e-mail do trang cu.to vừa gởi tới rồi click vô đường dẫn theo hướng dẫn trong e-mail để kích hoạt tên miền.

Chỉ sau vài phút là có thể xài tên miền http://www.tencuaban.cu.to

- Có đòng an nồ gióm xừa tênh miềng ni hông zị ? Hử ? (giọng Quảng Ngãi, tức là: "Có đàn anh nào dám xài tên miền này không ?" - cụm từ "Hử" cuối cùng là giọng Bình Định)

Người trong cuộc nói gì ?

Người mình có câu “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Nhớ, phuongngugia tui từng nghe cô bán hàng xinh đẹp của hãng điện thoại Motorola trên đường Tú Xương nói :

- Em là người bán hàng của công ty em biết rõ, không chỉ riêng sản phẩm của công ty em mà tất cả các nhãn hiệu điện thoại chính hãng bán ở thị trường Việt Nam đều được lắp ráp ở Trung Quốc, kể cả loại đắt tiền là mười mấy triệu…

Lần khác, một cậu nhân viên tại cửa hàng điện máy trong siêu thị Packson ngã tư Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn đã nói với tui rằng :

- Tất cả các loại hàng điện tử và điện lạnh bày bán tại các siêu thị trong thành phố có thể phân loại thế này anh ạ, các nhãn hiệu của Nhật thì lắp ráp tại Trung Quốc, các nhãn hiệu của Đức và Italia thì lắp ráp tại Thái Lan, riêng hàng của Samsung và LG thì tốt hơn vì ráp tại Việt Nam nên giá trên thị trường luôn mắc hơn các hàng có nhãn hiệu của Nhật…

Cái này thì phuongngugia tui xác nhận đúng là hai nhãn hiệu Samsung và LG luôn có giá cao hơn các nhãn hiệu của Nhật cùng loại hàng triệu đồng.

Và, một trang Web bán hàng điện tử và thiết bị phòng tắm đã tuyên bố :

- Chúng tôi muốn khẳng định với tất cả người tiêu dùng rằng trên thị trường hiện nay tất cả các sản phẩm PHÒNG TẮM, BỒN TẮM … đều do các cơ sở trong nước hoặc các xí nghiệp của TRUNG QUỐC sản xuất, không có bất cứ một sản phẩm nào được sản xuất tại MỸ, CHÂU ÂU hay NHẬT BẢN như các cửa hàng tự giới thiệu. Tuy nhiên, trong quá trình chọn lựa bạn cần phân biệt những thương hiệu của MỸ, CHÂU ÂU đầu tư vào TRUNG QUỐC sản xuất và tái xuất cho thị trường MỸ, CHÂU ÂU với các sản phẩm do các xí nghiệp HƯNG CHẤN của TRUNG QUỐC sản xuất. Hiện tại ở thị trường Việt Nam chỉ có 3 thương hiệu NOVELLINI (Pháp) - do Công ty CTM độc quyền phân phối, ZACCUZZI (Mỹ) - do Công ty Đông Dương độc quyền phân phối và APPOLLO của Italia là các sản phẩm hàng đầu đẳng cấp CHÂU ÂU và Mỹ có đăng ký chất lượng với các cơ quan chức năng VIỆT NAM - với các sản phẩm có đẳng cấp dù sản xuất ở đâu đều thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng.
PHÒNG TẮM, BỒN TẮM, BÌNH NƯỚC NÓNG … là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và an toàn của bạn. Nếu không cẩn thận lựa chọn, bạn sẽ chọn phải hàng gian hàng giả đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

Trên đây là vài lời nhận xét cùng một trích dẫn để bá tánh xem xét và tự có chủ kiến riêng cho mình.

Có gan thì làm...

Sách có câu ” Nhân chi sơ tính bản thiện” … ấy là nói “người lúc mới sinh ra thì không hấp thụ những thứ tập quán huân nhiễm xấu xa…’. Thế giới này có mấy trự Hitler; Staline; Mao Trạch Đông; cha con Kim Nhật Thành; Pinochet; anh em nhà Fidel Castro; Muammar Gaddafi … toàn những tên tuổi lúc mới đẻ cũng ở truồng khóc oe oe như ai nhưng khi trưởng thành được nắm quyền lại tiêm nhiễm những thú tính xấu xa ác độc hèn hạ nhứt của loài người

Nhớ, có lần thằng tui từng nắm mơ đang đi lơn tơn thời bất đồ mà gặp được ông thầy thuật số giỏi gieo quể bói Kinh Dịch lừng danh Quản Lộ tiên sanh, tui mừng rỡ níu áo ổng mà hỏi rằng, bớ tiên sanh, cớ chi có người cùng tên với tui thời sao họ giỏi giang giàu có nổi tiếng yết thị dán từ thành thị tới thôn quê ai cũng đặng biết, vậy mà tui đây thì nghèo khó u tối quá… răng mà kỳ rứa bớ Quản Lộ tiên sanh, xin ngài chỉ giáo cho tui đặng rõ.

Cái nhà ông Quản Lộ mà sách tả rằng mặt mũi thiệt xấu xí sa sầm quạu cọ mà vặc lại tui :
- ” Ngày cùng là ngày cả thế tại sao còn có xuân hạ thu đông, có nóng lạnh khác nhau ? Ðất cũng là cùng một quả đất, vì sao có chỗ nước, chỗ không, chỗ cao, chỗ thấp? Cùng một mảnh đất, cùng một hạt lúa, cùng trồng sáu tháng vì sao có cây cao, cây thấp? Cũng một cành cây, tại sao có quả to, quả nhỏ. Nhân thể là một khối thống nhất, tại sao công năng của lục phủ, ngũ tạng lại có cái mạnh, cái yếu, có cái tốt, cái xấu? Vì sao có người chỉ có gan mộc khối u, còn các phủ tạng khác thì lại tốt? Còn nữa nè mi, ta hãy hỏi mi rằng vậy chớ mi có biết cơ thể con người là thống nhất, lục phủ ngũ tạng ở trong mình là tự người mẹ sinh ra, tất cả cùng giờ sinh thế mà chỉ có gan mọc khối u còn những tạng phủ khác thì không bị. Vậy thì phải biết rằng người ta dù có tên giống nhau mà tim óc cùng lá gan có sự khác nhau rất lớn. “

Vừa nghe người xưa lên đời xong thằng tui như người mê chợt tỉnh, như vừa được vén mây mù thấy trời xanh. Bất giác phuongngugia tui vổ tay ba phát, miệng khen chí phải… chí phải… rồi kêu lên một tiếng thật to mà giật mình mở mắt, chừng định thần mới hay hóa ra mình vừa giấc mộng Nam Kha, đêm tháng chín có mưa bão lạnh thí mồ mà tui lại xuất hạn mồ hôi cùng mình…

Lại nói, qua thông tin báo chí tại Saigon này thì thấy rõ nhiều đại gia nay quá trời thằng xuất thân là thứ lôm côm vớ vẩn do liều mạng qua các mánh làm ăn gian dối móc nối cùng nhau chung chi hối lộ một số cán bộ cơ quan thẩm quyền rồi thành lập hàng trăm công ty ma để lừa đảo; để bỏ trốn chiếm đoạt luôn tiền thuế; để bán hóa đơn… Loạn thế xuất tỷ phú, nay thì nhiều đại gia từ đâu đột nhiên mọc ra mà tiền bạc trong túi thì cứ gọi là hàng nhiều trăm tỷ… Điều lạ chung nhứt là trước đó chưa ai từng nghe nói, hay biết, hay thấy các đại gia này đã từng sản xuất hay kinh doanh gì ráo. Còn có ai từng quen biết khi tụi hắn còn là lũ ma đói mặc áo giấy lâu ngày gặp và tỏ vẻ ngạc nhiên về sự bề thế giàu có thì tụi hắn cùng có một giải thích giống hệt nhau : "Có tiền là do mua bán đất hồi mấy năm trước". Trong số các đại gia áo giấy đó, chỉ duy nhứt thằng Diên "ruồi" là hồi gặp tui ở số 8 Lê Duẩn vẫn giả điên gân cổ:"Em có tiền là hồi làm đăng kiểm có tiền rồi mua đất", tui cười biểu nó thì anh có nói mày bán hóa đơn khi nào đâu mà mày thanh minh chi vậy. Thiệt, thằng tui đâu rỗi hơi mà cãi chi chuyện hỏng mắc mớ tới mình.

Thời buổi kinh tế toàn cầu suy giảm, giới doanh nhân khốn đốn vì nợ nần và trên thế giới nhiều tập đoàn tài chính, nhiều ngân hàng phá sản nghĩa là rụng như sung… Mặc cho cơn bão khủng hoảng tái chính càn quét khiến thế giới điêu đứng… các đại gia xuất thân áo giấy này coi bộ vẫn bình chân như vại, các đại gia này, mới ngày nào đây còn là lũ thằng nhà quê chân đất mắt toét vật vờ như ma trơi tại các thành phố thị tứ, vì đói quá liều mạng cùi câu kết làm bậy, thì nay hàng ngày vẫn tụ tập sát phạt bài bạc trong phòng riêng của thằng ông chủ của một công ty nào đó. Hỏi sao tài quá vậy? Trả lời rằng tụi hắn là dân chuyên nghiệp trốn thuế, nay công ty của tụi hắn mặc dù đàng hoàng nhưng luôn có các công ty con làm vệ tinh có chức năng lập các hợp đồng mua bán giả để nâng giá bán, giảm lợi nhuận cùng xuất chứng từ cho nhau nhằm hợp thức các loại chi phí đầu vào của nhau... cũng là để trốn thuế. Vậy làm sao lỗ cho đặng?

Cũng qua báo chí thì khuôn mặt điển hình cách nay vài năm, “đại gia” Ngô Nhật Phương là ông chủ của ”Tập đoàn Kinh Bắc” (nghe hết hồn chưa? Mà cái tên Kinh Bắc in hình do đại gia Phương sau khi “xúc kho thóc của Nhật” mà có tiền rồi thì muốn dương danh với bà con trong làng xã nơi quê nhà đất Bắc Ninh nên đặt tên tập đoàn của y là Kinh Bắc.

Cũng vài năm trước đây, báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh có bài phóng sự điều tra nêu đích danh một ông chủ Khải nào đó ở Bàu Cát, quận Tân Bình là kẻ cầm đầu một trong những đường dây chuyên cung cấp pháp nhân ma cho những thằng chuyên nghề làm ăn gian dối, tức là mua nguyên bộ pháp nhân công ty của ông chủ Khải nọ để dùng pháp nhân đó nhập khẩu hàng rồi lợi dụng thời gian ân hạn đóng thuế hải quan là 30 ngày, tụi nó tranh thủ bán hết hàng với giá rẻ rồi bỏ trốn…

Sau này mới nghe nói, ông chủ Khải nọ than sau bài báo đó của báo Pháp Luật thì y đã phải hồi lộ cho một người hàng tỷ đồng nhờ lo dàn xếp để báo chí ngừng lại.

Lại nói, sách Tàu có câu : “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện…”, lại như lời của Quản Lộ tiền bối thì người ta cho dù cùng tên nhưng nào có ai giống ai. Thằng tui đây cũng tên là Phương vậy chớ là thứ ngu dốt nhát cáy đâu có khôn ngoan giỏi giang lại gan cóc tía mà dám mần chiệng phạm pháp ghê gớm như ông đại gia Ngô Nhật Phương nọ.


Nhớ, từ những năm chín mấy khi thằng tui còn bán đồ cổ cùng đá quý ở Đường Đồng Khởi cũng có quen biết với một thằng em út tên Khải, nay là Ngô Quốc Khải ông chủ của công ty Huy Nguyên ở đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình. Trước đây năm 2001 tui từng tới công ty Huy Nguyên ngồi chơi cả buổi với anh bạn Khải này lúc đó trụ sở công ty của ảnh tại số 94EB đường Bàu Cát quận Tân Bình.

À quên, sẵn nói luôn, anh Khải này là em ruột của đại gia Phương kia, ông đại gia Phương thì tui từng gặp hồi năm chín mấy tại nhà anh Khải ở Bà Huyện Thanh quận 3.

Anh Khải nọ theo tui biết thì nay đúng thứ ông chủ bự toàn làm ăn lớn.

Còn ông đại gia Phương nọ hiện ra răng thì mới đây hồi tháng 7, đã lâu lắm từ năm 2001, tức là sau 8 năm tui mới ghé chơi công ty Huy Nguyên, khi ngồi đợi để được lên lầu gặp anh Khải thì tui có hỏi thăm anh bảo vệ và nghe ảnh nói “Anh Phương lái xe hơi qua đây chơi hoài… anh Phương sau vụ đó thì không làm giám đốc nữa mà là Chủ tịch Hội đồng quản trị.”, tui không cần để ý chuyện của thằng đại gia Phương nên không hỏi là công ty nào.

Vậy đó thời buổi nhiễu nhương quan chức nhà nước chỉ chực chờ sẵn sàng tham nhũng hối lộ thì bất kỳ ai dám liều mạng cùi ắt mần giàu.

Tui mong được một lần hóa thân thành nhân vật của Lý Công Tá để say rượu nằm ngủ dưới cây hòe.
 
Lên đầu trang